Theo tờ Telegraph, sự ra đi của các thương hiệu phương Tây khỏi Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine được cho là sẽ thay đổi cuộc sống hàng ngày ở Moscow. Thay vào đó, nó đã giúp người giàu ở Nga hưởng lợi.
Giá bán 'mang tính biểu tượng'
Các nhà hàng của Starbucks đã được mua lại bởi một nhóm doanh nhân địa phương, trong đó có rapper nổi tiếng người Nga Timati và chủ nhà hàng Anton Pinskiy; và từ đó đã mở cửa trở lại với tên gọi Stars Coffee. Logo vẫn có hình nàng tiên cá, nhưng giờ đây cô ấy đội một chiếc mũ kiểu Nga thay vì vương miện.
Anton Pinskiy - từng nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass rằng, họ đã mua lại toàn bộ tài sản của Starbucks ở Nga chỉ với 500 triệu rúp (khoảng 5,2 triệu USD) và việc mua lại những tài sản đó là cơ hội “không thể bỏ qua”. Theo hãng tin Interfax, vào năm 2021, công ty mẹ ở Nga của Starbucks đã báo cáo doanh thu hơn 60 triệu USD.
Khi được hỏi liệu giá bán có phải là chiết khấu hay không, Pinskiy nói với Tass rằng: “ Điều đó tùy thuộc vào nhận định của mỗi người. Chúng tôi đã mua một doanh nghiệp đã đóng cửa và không mang lại lợi nhuận. ”
Doanh nhân người Nga Alexander Gorov đã mua lại các cửa hàng McDonald's và đổi tên chúng thành "Vkusno i Tochka", có nghĩa là "Ngon, đầy đủ". Thay vì bán Big Mac, họ bán “Big Hit”.
Vào thời điểm mua lại, Govor cho biết, ông đã trả “thấp hơn nhiều so với giá thị trường”, mô tả số tiền cuối cùng là một con số “mang tính biểu tượng”. McDonald's không đưa ra bình luận nào nhưng cho biết khoản lỗ từ việc rời khỏi Nga nằm trong khoảng từ 1,2 tỷ USD đến 1,4 tỷ USD. Theo các quan chức Nga, McDonald's vẫn giữ quyền lựa chọn mua lại nhà hàng của mình trong vòng 15 năm.
Kể từ khi mua lại hoạt động của McDonald's ở Nga, Govor cũng đã mua một công ty Phần Lan sản xuất bao bì thực phẩm và đồ uống sau khi công ty này tuyên bố rời khỏi Nga.
Brands - công ty mẹ của KFC - đã bán hoạt động kinh doanh KFC tại Nga cho Smart Service - một công ty Nga do Konstantin Yuryevich Kotov và Audrey Eduardovich Oskolkov lãnh đạo.
Hiện họ đã đổi tên các nhà hàng thành Rostik's. Kotov nói: “Các món ăn chúng tôi làm hoàn toàn giống với KFC”.
Logo thương hiệu Rostik's cũng có màu đỏ, đen và trắng, giống phong cách của KFC. Sự kiện khai trương tại một cửa hàng có một chiếc bánh khổng lồ có hình xô gà bỏng ngô.
Người Nga mua lại tài sản trị giá 35 tỷ euro từ 110 công ty phương Tây
Theo Trường Kinh tế Kyiv, gần 1.500 công ty phương Tây đã rút lui hoàn toàn hoặc đang trong quá trình rời khỏi Nga. Nhưng hàng hóa của họ, mặc dù được bán thông qua các thực thể hoàn toàn riêng biệt, vẫn hiện diện rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày tại Nga. Một số được nhập khẩu trong khi một số khác được sao chép hoàn toàn. Dù thế nào đi nữa, người Nga cũng đã nhanh chóng tìm kiếm lợi nhuận sau sự thay đổi này.
Tim Symington - người thực hiện một chương trình điều tra về Nga - cho biết: “Hầu hết các sản phẩm và dịch vụ hoặc các lựa chọn thay thế phù hợp vẫn còn tồn tại, ngay cả khi có thể có mức giá cao hơn và chất lượng kém hơn.”
Tờ Telegraph nhận định, có một sự tương đồng rất lớn giữa tình hình hiện nay tại Nga với việc tư nhân hóa hàng loạt tài sản nhà nước vào những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô. Giống như các nhà tài phiệt mới tích lũy của cải bằng cách chiếm đoạt tài sản nhà nước, các doanh nhân Nga hiện đang nhanh chóng mua lại tài sản, chuỗi cung ứng, cơ sở khách hàng và mạng lưới kinh doanh của phương Tây với giá rẻ.
Theo phân tích của Novaya Gazeta Europe - tờ báo đối lập lâu đời của Nga đã đóng cửa ở Moscow vào tháng 3/2022 và hoạt động trở lại tại Latvia, người Nga đã mua lại tài sản từ 110 công ty phương Tây đã rời khỏi đất nước, và tổng giá trị được xác định bằng tài sản ròng của các công ty phương Tây vào cuối năm 2022 là khoảng 35 tỷ euro.
Những giao dịch mua này thường diễn ra với mức giảm giá lớn. Trong một số trường hợp, tài sản của nhà máy đã được bán với giá tượng trưng là 1 Euro. Theo Novaya-Europe, Vladimir Potanin - doanh nhân giàu nhất nước Nga, người đang bị Anh và Mỹ trừng phạt - đã mua lại khối tài sản trị giá khoảng 16 tỷ euro.