vĐồng tin tức tài chính 365

Lắp camera giám sát xe cá nhân: Nhiều băn khoăn

2023-09-21 06:00

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình Quốc hội, Bộ Công an đề xuất ô tô cá nhân phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Lo lắng lộ thông tin cá nhân

Cụ thể, Điều 33 của dự thảo quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất bổ sung xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau: Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, ô tô cá nhân cũng sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình, ghi hình cabin.

P8_hinhbai.jpg
Bộ Công an đề xuất xe cá nhân phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: T.NHUNG

Là người sở hữu hai ô tô, chị Nguyễn Thị Trang, ngụ quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội), lo lắng với quy định phải lắp camera giám sát hành trình, ghi hình cabin xe cá nhân. Theo chị, xe cá nhân cần được bảo mật thông tin cũng như bảo vệ các quyền cơ bản về riêng tư của công dân đã được quy định bởi hiến pháp và các luật liên quan. “Chẳng hạn, tôi sử dụng xe cho một cuộc hẹn làm ăn với đối tác không muốn ai biết, nếu lắp camera giám sát thì mọi chuyện sẽ khác” - chị Trang chia sẻ.

Các ý kiến khác cũng cho rằng việc lắp thiết bị giám sát hành trình đòi hỏi phải xây dựng cả một hệ thống văn bản pháp lý cũng như các tiêu chuẩn liên quan. Cụ thể như vị trí lắp đặt camera, góc thu hình, tiêu chuẩn chất lượng hình ảnh...

Ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, nhận định thực tế hiện nay nhiều phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe nhằm giúp theo dõi, xác định được vị trí tài sản, phương tiện của mình. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố, thiết bị rất hữu ích đối với người lái xe cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng cơ quan chức năng nên khuyến khích, khuyến cáo người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Hoặc cơ quan quản lý nhà nước cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp.

Băn khoăn về tính khả thi

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhận định việc lắp camera giám sát hành trình với ô tô nói chung và xe cá nhân nói riêng sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Về mặt kinh tế, ông Tạo cho rằng việc lắp đặt một camera trên ô tô chỉ dao động 2-5 triệu đồng nhưng so với những chi phí khác khi không may xảy ra như tai nạn giao thông, va quẹt… thì có lợi. “Tôi nghĩ rằng hiệu quả của việc lắp đặt camera giám sát được nhiều hơn mất, nâng cao quản lý giám sát, an toàn cho xã hội, minh bạch hơn” - ông Tạo nhìn nhận.

Cơ quan chức năng nên khuyến khích, khuyến cáo người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, ôngTạo băn khoăn về tính khả thi của đề xuất, “bởi người ta sẽ thắc mắc xe cá nhân, tài sản riêng, có những hoạt động riêng tư lại bị camera giám sát theo dõi”. Do vậy, đây là vấn đề mà cơ quan soạn thảo cần suy nghĩ, tính toán để đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng nếu quy định trên áp dụng cho xe cá nhân thì cần phải đánh giá kỹ. Vì đây là vấn đề lớn, phạm vi tác động điều chỉnh rộng, chi phí tổ chức thực thi rất lớn. Song song đó, việc lắp cả camera ghi hình cabin lên xe không biết có liên quan đến quyền riêng tư của tài xế hay không?

“Vì vậy, Bộ Công an cần xây dựng một đề án về vấn đề này, trong đó phải làm rõ mục đích, ý nghĩa, mục tiêu giám sát những nội dung gì, chi phí ra làm sao…” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng cho rằng việc quy định thiết bị giám sát hành trình và camera ghi hình cabin đã được thực hiện trên khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng chưa tận dụng được triệt để tính hiệu quả của thiết bị này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Các dự thảo luật của Bộ Công an hay Bộ GTVT chưa có thông tin cụ thể về việc nếu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình cabin thì thông tin, hình ảnh có phải truyền về hệ thống quản lý của cơ quan chức năng hay không?

“Tuy nhiên, tham khảo quy định tại Thông tư 09/2015 của Bộ GTVT quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô có nhiều nội dung. Trong đó, các thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý, được bảo mật và không chia sẻ cho người khác” - luật sư Mạch cho hay. •

Quy định lắp đặt hệ thống giám sát tài xế ở các nước

Các nước có quy định khác nhau về yêu cầu lắp đặt hệ thống giám sát tài xế (DMS) cho phương tiện giao thông.

Tháng 11-2019, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định An toàn chung (GSR). Theo đó, bắt buộc các nhà sản xuất ô tô phải lắp đặt DMS trong tất cả loại ô tô mới trên thị trường EU từ tháng 6-2022. Với quy định này, các chuyên gia ước tính từ nay đến năm 2038, các tài xế có thể tránh được 140.000 thương tích nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, năm 2018, Giang Tô trở thành tỉnh đầu tiên ở nước này thực thi các quy định gắn DMS đối với xe tải đường dài và phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm.

Tại Mỹ, tháng 7-2020, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật quy định các ô tô lái tự động mới phải trang bị DMS. Tuy nhiên, dự luật này không được Thượng viện thông qua.

HỒNG SƠN - THẢO VY

VIẾT LONG - THY NHUNG

Xem thêm: lmth.234257tsop-naohk-nab-ueihn-nahn-ac-ex-tas-maig-aremac-pal/nv.olp

“Lắp camera giám sát xe cá nhân: Nhiều băn khoăn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools