Với 4 triệu ô tô cá nhân đang lưu hành và giá mỗi thiết bị ghi hình có thể lên tới vài triệu đồng, việc áp dụng quy định này sẽ có tác động rất lớn đến túi tiền của người dân. Đó là chưa kể đến chi phí mỗi chủ xe phải bỏ ra hằng tháng để truyền dữ liệu về cơ quan giám sát như xe kinh doanh vận tải đang phải thực hiện.
Thực tiễn cho thấy từ năm 2015, chúng ta bắt đầu triển khai quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh tài xế (ghi hình cabin). Tuy nhiên, từ đó đến nay thiết bị này vẫn không phát huy được nhiều công dụng ngoài vai trò phục vụ công tác hậu kiểm khi có sự cố tai nạn xảy ra. Điều này gây lãng phí vô cùng lớn. Và đến nay, theo Cục Đường bộ là “chưa có tiền để đầu tư nâng cấp thiết bị này” nhằm tận dụng triệt để hệ thống, phục vụ công tác quản lý.
Hệ thống giám sát của hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải chưa khai thác tốt vai trò, chức năng càng làm cho nhiều người không khỏi phân vân về tính khả thi của quy định lắp camera ghi hình cabin xe cá nhân. Song song đó, hàng loạt tiêu chuẩn về hình ảnh, đấu nối nguồn điện vào xe, góc thu hình… cũng chưa được cơ quan soạn thảo bàn tới.
Tuy nhiên, điều lo lắng bao trùm lên đề xuất này có lẽ là quyền riêng tư của công dân khi những hình ảnh cũng như mọi chuyển động của cá nhân trong cabin xe đều được truyền đến cơ quan giám sát, dù những hình ảnh này được cam kết là sẽ bảo mật.
Tất nhiên, sẽ có người đồng ý với quy định này vì cho rằng “hiện nay nhiều xe cá nhân đã lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình”. Nhưng trên thực tế, các chủ xe cá nhân hiện nay chỉ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình quay ra bên ngoài xe để có bằng chứng bảo vệ mình khi xảy ra sự cố giao thông, an ninh trật tự (camera trước) hoặc để quan sát chướng ngại vật khi lùi xe (camera lùi), chứ không phải là camera ghi hình cabin như đề xuất trên.
Hơn thế, cần hiểu cabin của xe cá nhân cũng còn là nơi riêng tư, nơi có thể để người ngồi trong xe trao đổi những chuyện làm ăn cá nhân, thậm chí công việc của doanh nghiệp, cơ quan… Nếu những thông tin riêng tư đó, những bí mật kinh doanh lọt ra ngoài thì ai sẽ là người gánh trách nhiệm?
Chúng ta ủng hộ cơ quan quản lý nhà nước áp dụng khoa học - công nghệ để phục vụ công tác quản lý. Nhưng đừng vì tiện cho công tác quản lý mà bắt buộc người dân đi đâu, nói chuyện gì cũng phải “báo cáo cơ quan nhà nước”. Đừng để người dân luôn có cảm giác ngột ngạt khi đi đâu cũng có cảm giác bị theo dõi.
Vì vậy, điều mà cơ quan chức năng cần làm là nên khuyến khích người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có thể bao gồm camera ghi hình cabin nếu muốn, để bảo vệ bản thân thay vì bắt buộc. Và nên chăng, cần trang bị thêm nhiều “mắt thần” theo dõi tại các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường giao thông công cộng để xử phạt các hành vi vi phạm giao thông cũng như phục vụ công tác điều tra tai nạn giao thông.