Sáng 20-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các đại biểu bàn thảo về nhiều đề xuất của đề nghị Hà Nội được áp dụng “vượt khung” pháp luật như phạt không quá hai lần mức phạt hiện hành với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm...
Sáu lĩnh vực xử phạt gấp đôi
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều; tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012.
Đáng chú ý, dự thảo luật dành Điều 34 quy định về các biện pháp bảo vệ thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong sáu lĩnh vực gồm: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm.
Theo Chính phủ, quy định của Luật Thủ đô hiện hành chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành không còn phù hợp.
Trên cơ sở đề xuất của Hà Nội, dự thảo luật quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC.
Thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay: Có ý kiến cho rằng việc HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn TP; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là “chưa phù hợp” với quy định của Hiến pháp 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm đã được QH bàn khi cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Khi biểu quyết, đa số đại biểu không tán thành biện pháp cắt điện, nước do liên quan đến quyền con người, quyền công dân và đa số người dân.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề này vào” - ông Tới nói.
Không mở rộng đất các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây mới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hiện có ở nội đô được các đại biểu tán thành.
Di dời cơ sở ô nhiễm, cơ sở giáo dục ĐH khỏi nội đô
Góp ý, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho hay ông đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô. Bởi thông qua các quy định này có thể hình dung được hình hài phát triển của thủ đô trong tương lai.
Ông nhất trí cao với quy định không mở rộng đất các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây mới cơ sở giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp hiện có. Đồng thời nhất trí di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục ĐH, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của thủ đô.
Theo ông Bùi Văn Cường, đây là chủ trương đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng triển khai rất chậm, trong khi hồ sơ dự án luật lần này cũng chưa thấy đề cập tới biện pháp và lộ trình di dời.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị giao cho Hà Nội di dời cơ sở ô nhiễm, y tế, ĐH… ra khỏi nội đô.
Ông Dũng phân tích: “Chúng ta quy hoạch xây dựng TP khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo tại khu vực Xuân Mai (Hòa Lạc). Quy hoạch như thế nhưng nếu giao các trường ĐH thực hiện thì “không bao giờ di chuyển được” vì không có nguồn lực”.
“Nếu giao cho TP giải phóng mặt bằng, xây cơ sở mới trên đấy và giao lại cơ sở cũ, tôi nghĩ là khả thi. Hiện có những trường như ĐH Xây dựng, đồng chí hiệu trưởng nói nếu TP xây dựng một trường trên đó khoảng 2.000 tỉ đồng, trường sẽ chuyển ngay và giao lại cơ sở hiện nay cho TP” - ông Đinh Tiến Dũng nói.
Ông Dũng dẫn chứng một cơ sở giáo dục ĐH khởi công đã 20 năm nhưng vẫn chưa xong và đề nghị giao việc này cho TP Hà Nội, TP sẽ “làm cái nào xong cái đấy”...•
“Không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”
Tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
“Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Bây giờ lại biến thành một điều khác trong Luật Nhà ở (sửa đổi) trình QH thông qua đây” - ông Huệ nói và cho biết trước đây có một điều quy định về chung cư mini, dự thảo luật hiện nay vẫn giữ nhưng chuyển thành tên khác.
“Tôi có nghe thế nhưng chưa xem xét. Các đồng chí phải rà soát” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Phát biểu sau đó, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy “vô cùng bất cập”. Theo ông, tòa nhà được cấp phép sáu tầng nhưng xây tới chín tầng là vi phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng giao thông khu vực này thì việc cho phép xây đến sáu tầng cũng vô cùng bất cập.
“Những việc trong quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch đã có, chúng tôi đề nghị tiếp tục giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề cụ thể thì mới đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài được” - ông Dũng đề nghị.
Về việc này, Chủ tịch QH ủng hộ cho phép Hà Nội có thẩm quyền quy định những khác biệt so với nơi khác. “Như giao thông, bây giờ chờ Bộ KH&CN quy định tiêu chuẩn khí thải của xe máy thì còn lâu. Nếu không quy định thẩm quyền của thủ đô thì lộ trình chuyển đổi xe (đổi xe cũ lấy xe mới), lộ trình hạn chế dần xe máy và phương tiện cá nhân để phát triển giao thông công cộng… không làm được” - ông Vương Đình Huệ nói.