Quyết định được TAND TP HCM đưa ra chiều 20/9, sau hai ngày xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn giữa ông Nguyễn Đức An (61 tuổi, Việt kiều Mỹ) và bị đơn Phạm Thị Ngọc Thúy (43 tuổi, siêu mẫu Ngọc Thúy). Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 16/10.
Theo HĐXX, quá trình giải quyết vụ án các đương sự đưa ra các yêu cầu về việc phân chia nhiều tài sản, đồng thời đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nhưng chưa đầy đủ. Do đó, tòa cần thu thập, xác minh thêm các chứng cứ để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan. Sau hôm nay, các đương sự cũng có thể cung cấp thêm chứng cứ mới, nếu có.
Nguyên đơn chưa cung cấp đủ chứng cứ đòi tài sản Ngọc Thúy
Trước đó, trả lời đại diện VKSND TP HCM, phía ông An đề nghị tòa công nhận là chủ sở hữu 9 căn hộ cao cấp (5 căn Avalon Tower, 4 căn Sailing Tower) tại phường Bến Nghé, quận 1; đồng thời yêu cầu bà Thúy trả lại 98 tỷ đồng là hoa lợi từ việc cho thuê các căn hộ từ 2007 đến nay.
Nguyên đơn đưa ra các chứng cứ, chứng minh nguồn gốc hình thành khối tài sản trên là tiền ông An đã gửi về cho Thúy hai lần tổng cộng 3 triệu USD để mua. Số tiền này rút ra từ tài khoản hơn 13 triệu USD trong ngân hàng Mỹ, chuyển về qua công ty dịch vụ rồi rút tiền mặt đưa cho Thúy thanh toán với chủ đầu tư. Phía nguyên đơn cũng đưa ra các hợp đồng chứng minh việc Thúy đã cho các cá nhân, tổ chức thuê những căn hộ trên từ năm 2007 đến nay, thu về 98 tỷ đồng.
Người đại diện của Ngọc Thúy thừa nhận ông An chuyển về 3 triệu USD để mua các tài sản này, song cho rằng đây là tài sản chung được tạo lập trong quá trình hôn nhân nên đề nghị tòa chia đôi. Phía Ngọc Thúy phủ nhận thu về 98 tỷ đồng từ việc cho thuê 9 căn hộ và cho rằng các hợp đồng cho thuê mà nguyên đơn đưa ra chỉ là các bản photocopy, thời gian đã lâu nên không nhớ rõ. Phía Thúy đề nghị nguyên đơn phải cung cấp bản chính để xác thực.
Phía bị đơn cũng cho rằng, trong quá trình quản lý 9 căn hộ này, Ngọc Thúy đã bỏ tiền đầu tư, làm mới khi cho thuê. Do đó, bị đơn đề nghị tòa xem xét thêm công sức đóng góp của mình. Đối với các căn hộ này, Ngọc Thúy sẽ nhận tài sản và thanh toán cho ông An 50% giá trị.
Đại diện của ông An nói các hợp đồng cho thuê 9 căn hộ này họ mới thu thập được, nên không mang theo bản chính, sẽ bổ sung cho tòa sau. Đối với việc Ngọc Thúy đã đầu tư vào những căn hộ, đại diện của nguyên đơn đồng ý trả lại "các chi phí hợp lý và phải có hóa đơn chứng từ" với điều kiện cô phải trả lại 98 tỷ đồng tiền cho thuê nhà.
Tiếp đó, đại diện VKS đề nghị nguyên đơn đưa ra các chứng cứ đã chuyển hơn 13 triệu USD từ Mỹ về Việt Nam cho Thúy mua tài sản. Đại diện của ông An chỉ đưa ra các tài liệu đã chuyển 47 tỷ đồng và 700.000 USD; đối với phần tiền còn lại là "rút tiền mặt ra đưa nên không có biên nhận", hoặc chỉ có các chứng từ gián tiếp thể hiện dòng tiền, thời gian chuyển và tài khoản nhận.
Ngoài ra, đại diện của ông An cho rằng, năm 2008 đã gửi về cho Ngọc Thúy 2 triệu USD để mua mảnh đất hơn 600 m2 trị giá 35 tỷ đồng tại phường Thảo Điền (hiện là TP Thủ Đức) của người đàn ông tên Bình. Việc mua bán không thành nên chủ đất trả lại tiền, sau đó Thúy đã chuyển số tiền này vào tài khoản của bà Bê (mẹ Ngọc Thuý) nên "đề nghị tòa xác minh".
Trình bày về nguyện vọng của mình, phía nguyên đơn cho biết mong muốn được nhận lại toàn bộ tài sản và sẽ đưa vào tài khoản và công ty cho hai người con chung với Ngọc Thuý được thụ hưởng.
Trong hai ngày diễn ra phiên tòa, HĐXX đã cho các đương sự hỏi nhau cũng như tham gia hỏi các bên để làm rõ các vấn đề về quan hệ hôn nhân, nguồn gốc hình thành các khối tài sản, yêu cầu của các bên.
Phía ông An cho rằng trong thời gian hai người là vợ chồng đã chuyển tiền về cho Ngọc Thuý mua và đứng tên giúp 39 tài sản gồm: 5 căn hộ tại tòa nhà Avalon; 4 căn hộ Sailing Tower (quận 1); 13 biệt thự tại dự án Sea Links Golf & County Club ở Phan Thiết, Bình Thuận (không rút lại việc đòi 5 biệt thự như trình bày hôm qua); tiền trong 3 tài khoản ngân hàng; cổ phần trong 2 công ty ở Vũng Tàu; 2 lô đất ở Vũng Tàu; một villa ở quận Bình Thạnh; một lô đất ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức)... Tổng giá trị các tài sản này khoảng 280 tỷ đồng, từ nguồn tiền riêng của ông An tạo lập từ năm 1990 đến năm 2007.
Sau khi ly hôn vợ cũ không trả lại nên năm 2010 ông khởi kiện ra TAND TP HCM. Đến năm 2011, tòa án Mỹ đã ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định ngoài các tài sản riêng được hai bên thừa nhận thì Ngọc Thúy phải chuyển các tài sản đang sở hữu tại Việt Nam vào công ty chung để giao cho các con khi đủ 18 tuổi. Do Ngọc Thúy không thực hiện nên ông tiếp tục đề nghị TAND TP HCM giải quyết vụ kiện, buộc vợ cũ phải giao lại toàn bộ tài sản cho các con.
Trong khi đó, phía Ngọc Thúy chỉ thừa nhận chồng cũ có chuyển 47 tỷ đồng và 700.000 USD về để mua tài sản, nhưng đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Đối với những khoản tiền khác, bị đơn cho rằng không nhận từ phía ông An.
Liên quan đến thỏa thuận ngày 7/12/2011 được tòa án cấp cao California (Mỹ) công nhận, phía Ngọc Thúy cho rằng không còn giá trị bởi theo bản án ngày 12/5/2014 của Tòa thượng thẩm bang Califonia thì tòa án Mỹ không có thẩm quyền giải quyết đối với tài sản và bất động sản tại Việt Nam. Do đó, Ngọc Thúy được miễn tuân theo bản thỏa thuận trên.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.1345564-yuht-cogn-neik-na-cud-aig-iad-uv-ux-tex-gnud/ten.sserpxenv