Công ty gỗ Stora Enso của Thụy Điển - Phần Lan, nhà sản xuất pin Amperex Technology có trụ sở ở Hong Kong và một vài tên tuổi khác đã đầu tư 18 triệu USD vào CarbonScape để thương mại hóa than sinh học (biographite) làm pin xe điện.
CarbonScape có trụ sở tại New Zealand đã được cấp bằng sáng chế cho quy trình sử dụng các sản phẩm phụ của ngành lâm nghiệp như dăm gỗ, mùn cưa cùng với chất xúc tác để sản xuất than chì.
Than chì chiếm tới một nửa trọng lượng của pin lithium-ion được sử dụng trong xe điện. Hiện nay, than chì dùng làm cực dương của pin có nguồn gốc từ than chì được khai thác tự nhiên, hoặc từ sản phẩm dầu mỏ.
CarbonScape cho biết than chì sinh học của họ có lượng xả thải carbon âm, giảm tới 30 tấn lượng khí thải CO2 trên mỗi tấn vật liệu so với than chì tổng hợp hoặc than chì khai thác. Than chì sinh học lại dễ dàng sản xuất gần các nhà máy pin, thay vì phải khai thác và vận chuyển xa.
Chỉ với 5% phụ phẩm lâm nghiệp được tạo ra mỗi năm ở châu Âu và Bắc Mỹ, CarbonScape có thể sản xuất đủ than chì sinh học đáp ứng một nửa nhu cầu toàn cầu phục vụ ngành xe điện năm 2030.
Nói cách khác, than chì làm từ mùn cưa, dăm gỗ sẽ cho phép các nhà sản xuất pin cắt giảm gần 30% lượng khí thải carbon, từ đó giảm khoảng 86 triệu tấn CO2 mỗi năm trong quy trình sản xuất pin vào năm 2030.
Dự báo của công ty tư vấn Project Blue cho thấy toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 777.000 tấn than chì vào năm 2030. Do đó, các công ty đang gấp rút tìm cách khai thác hoặc tạo ra các nguyên liệu cho sản xuất pin mà không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
CATL, công ty đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện với VinFast, đã có thành công lớn khi tuyên bố tạo ra pin LFP đầu tiên có thể hỗ trợ sạc xe điện siêu nhanh 4C.