Ngày 22-9, tại khu vực suối thuộc thôn Phú Yên, chúng tôi ghi nhận hàng trăm mét đất ven bờ bị sạt lở. Nhiều diện tích cà phê bị xói đất ngã đổ xuống lòng suối rộng khoảng 100m này.
Sạt lở suối khiến rẫy cà phê biến mất sau một đêm
Bà Đặng Thị Kim Cúc, người dân thôn Phú Yên, có 1,3ha đất ven suối. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, phần đất này bị sạt lở hơn 3 sào (1.000m2/sào) trồng bời lời, lúa và cà phê.
"Nhà tôi canh tác trên đất này 40 năm qua, đến nay mới thấy sạt lở lớn như vậy. Trước năm 2023 lòng suối chỉ rộng khoảng 20m, bây giờ đã lên đến cả trăm mét" - bà Cúc cho hay.
Theo bà Cúc, trước kia có một ghềnh đá ở giữa lòng suối, nhưng sau khi Công ty T.Đ. khai thác đá thì dòng chảy của suối vào mùa mưa lũ mạnh hơn, phá hết hai bên bờ suối.
"Tháng 9 vừa rồi sạt lở lớn. Chỉ sau một đêm, rẫy cà phê nhà tôi đã bị con suối nuốt chửng, biến mất" - bà Cúc nói.
Chị Yuak (làng Kret Krot, xã H'ra) trồng được 250 cây cà phê trên tổng diện tích khoảng 2 sào đất. Hiện dòng suối đã cuốn trôi cả trăm cây cà phê, diện tích còn lại chỉ hơn 1 sào.
"Bà con trong làng bây giờ không biết lấy đất đâu mà làm, không có rẫy không có cà phê, bà con sống rất nghèo" - chị Yuak lo lắng.
Chưa xác định được nguyên nhân
Ông Trần Thanh Tuấn - chủ tịch UBND xã H'ra - cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện đã cho lập đoàn kiểm tra, xác định hơn 1.000m dọc hai bên bờ suối bị sạt lở.
Trong đó, có khoảng 325m chiều dài sạt lở thuộc phần diện tích của mỏ đá, hơn 700m còn lại thuộc diện tích đất canh tác của người dân. Lòng suối nơi Công ty T.Đ. khai thác vẫn thuộc phạm vi được cấp phép.
UBND huyện Mang Yang cũng đã có văn bản yêu cầu công ty trên tạm dừng khai thác để khắc phục trước phần chân nền suối sát với đường liên xã H'ra - Lơ Pang.
Bà Phan Thị Ngọc Phượng - phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang - cho biết đã tham khảo ý kiến chuyên gia địa chất nhưng thực tế rất khó xác định nguyên nhân gây sạt lở.
"Ngay cả kỹ sư địa chất cũng chưa khẳng định sạt lở suối do công ty khai thác đá hay do đến thời kỳ thì suối sạt lở" - bà Phượng nói.
Đối với việc ngăn sạt lở bờ suối, bà Phượng nói rằng qua làm việc, lãnh đạo Công ty T.Đ. cho hay vì nguồn lực hạn chế nên doanh nghiệp chỉ đang kè đá ở bờ suối khu vực mỏ đá. Còn diện tích sạt lở ven rẫy của người dân sẽ kè đá trong thời gian tới khi có kinh phí.
Cũng theo bà Phượng, dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng phía Công ty T.Đ. đã hỗ trợ thiệt hại cho một số hộ dân trong hai đợt tháng 6 và 8-2023.
Còn trong tháng 9-2023 chỉ ghi nhận sạt lở trong diện tích của mỏ đá và hộ ông Nguyễn Tứ. Vì hộ ông Tứ sạt lở nhiều nên công ty đang có phương án mua lại luôn phần đất của ông này.
Hai điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường ĐT 755B khiến con đường huyết mạch nối Bình Phước với Lâm Đồng có nguy cơ đứt gãy.