Lễ trao giải và khai mạc triển lãm diễn ra chiều 22-9 tại Hà Nội.
Từ 186 bộ ảnh, 536 ảnh bìa (hạng mục ảnh bìa), 19 ảnh đơn (hạng mục ảnh đơn) nhận được sau 4 tháng phát động (từ ngày 1-4 tới 31-7), ban tổ chức đã trao 7 giải ở hạng mục ảnh bộ, 5 giải ở hạng mục ảnh bìa và 1 giải ở hạng mục ảnh đơn.
Triển lãm Hành trình di sản sẽ mở cửa đón công chúng từ ngày 23 đến hết ngày 26-9 tại Trung tâm triển lãm, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Chụp để lưu giữ bản sắc
Ở hạng mục ảnh bộ, giải đặc biệt được trao cho tác giả Ngô Quang Phúc với bộ ảnh Lễ Ndam Padhi Chăm Bani Ninh Thuận.
Ông Phúc chụp bộ ảnh tôn vinh văn hóa Chăm tại thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam trong những năm từ 2019 - 2022.
Ndam Padhi là lễ trả ơn cho cha mẹ của người Chăm theo đạo Bani ở tỉnh Ninh Thuận. Qua bộ ảnh, người xem hiểu hơn một trong những ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Chăm.
"Từng đi nhiều nơi, thấy bao nhiêu dân tộc bị mai một, mất dần bản sắc, tôi muốn chụp lại những vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống, những di sản có nguy cơ biến mất, để lưu giữ lại cho mọi người biết", tác giả Ngô Quang Phúc nói.
Khám phá Việt Nam tươi đẹp, văn hóa đa dạng
Dễ nhận ra ảnh chủ đề về tập quán văn hóa, sinh hoạt của người dân, di sản lễ hội vẫn chiếm ưu thế lớn. Đến triển lãm, công chúng có cơ hội khám phá và trải nghiệm qua ảnh một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, di sản phong phú, văn hóa đa dạng và giàu bản sắc.
Đó là công việc lấy sáp ong khoái của người Dao Tiền ở Hoài Khao (Cao Bằng) qua bộ ảnh Báu vật truyền đời sáp ong rừng đoạt giải nhất ở hạng mục ảnh bộ của tác giả Bằng Cao.
Người xem cũng có dịp để hiểu thêm về nghề thu hoạch rong mơ ở Quảng Ngãi qua bộ ảnh của Alex Cao, nghề làm gốm không bàn xoay ở Ninh Thuận của Nguyễn Quốc Huy.
Xem ảnh của tác giả Nguyễn Vũ Hậu, khán giả lại biết thêm về di sản lễ hội Khu Già Già - một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì ở Lào Cai.
Và đến với bộ ảnh của Dương Mạnh Khiêm, lại hiểu thêm bến nước gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của bà con buôn làng các dân tộc Tây Nguyên.
Ngoài ra, tại Hành trình di sản 2023, công chúng còn được dịp khám phá Sơn Trà một mùa hoa qua ảnh của Trần Minh Trí, cầu Vàng đón ánh dương của Nguyễn Tấn Tuấn, đường xuyên đảo Cát Bà của Đỗ Bá Hưng, mùa lá đỏ của Vũ Lâm, bình minh đầm Quảng Lợi của Haipiano…
Một bộ sưu tập ảnh về chim hoang dã được nhiếp ảnh gia Võ Rin (Hội An) chụp và giới thiệu với công chúng trên đồng lúa chín vàng rìa phố cổ Hội An từ chiều 15-9 tạo hình ảnh lạ mắt.