Dẫn chúng tôi đi quanh vườn mai tại TP Thủ Đức (TP.HCM), anh Nguyễn Phương Tùng cho biết nhờ vay vốn lãi suất ưu đãi và vay không lãi từ nguồn vốn của Hội Nông dân phường đã giúp gia đình trồng trọt ổn định, được công nhận thoát nghèo.
Trợ sức cho sự nỗ lực
Nhà ở phường Linh Đông nhưng anh Tùng phải qua phường Tam Phú (TP Thủ Đức) mới có đất thuê làm vườn mai. Đây là công việc anh đã làm cùng cha mình từ nhỏ. Nhưng rơi ngay một vụ do thời tiết thất thường, bông không kịp nở dịp Tết, rồi người ta lấy lại khu đất cho mượn phải bán đổ bán tháo khiến cả nhà lao đao, rơi vào diện hộ nghèo.
Nhờ Hội Nông dân phường tín chấp, anh vay 20 triệu đồng mua phân bón chăm sóc lại khu vườn. Ngoài tự trồng, vườn nhà anh Tùng nhận chăm sóc mai cho các gia đình gửi sau mấy ngày Tết. "Vốn nhỏ, 80% mai trong vườn nhà mình đều nhận chăm sóc, dưỡng cho khách. Nhờ khoản vay đó, tôi lấy ngắn nuôi dài để mong đời mình cũng tươi như bông mai Tết", anh Tùng cười.
Vui nhất nghề trồng mai là những ngày giữa tháng chạp. Có khi anh phải thuê 20 người làm thời vụ lặt lá cho kịp trổ hoa đúng dịp Tết. Hầu như cả ngày anh Tùng đều ở ngoài vườn. Ngoài giờ đi giúp việc nhà, bà xã anh cũng tranh thủ đến vườn phụ tỉa cành, nhặt cỏ.
Mấy bữa nay hai vợ chồng còn phải thuê thêm người nhặt phụ vì rơi vào năm nhuận, mai nở nghịch mùa, việc chăm sóc cực hơn. "Phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng mình cũng tính toán cẩn thận bởi nếu canh không chuẩn cây không cho bông đúng dịp Tết là coi như thua luôn công sức cả năm", anh Tùng nói.
Chị Nguyễn Ngọc Quế Phương - chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Đông (TP Thủ Đức) - nói ngoài gia đình anh Tùng còn một số hộ khác cũng được vay vốn, vươn lên thoát nghèo. "Sự tiếp sức từ Hội Nông dân chỉ một phần bởi chính nỗ lực sản xuất, làm ăn của từng hộ mới giúp họ thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn" - chị Phương nói.
9/10 chi hội không còn hội viên nghèo
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân cho biết năm 2019, hội có 728 chi hội với 441 chi hội còn hội viên nghèo và cận nghèo theo chuẩn của TP.HCM với gần 2.750 hộ. Vì thế, Hội Nông dân TP chọn công trình "Tư vấn, hỗ trợ 10 chi hội làm điểm không còn hộ hội viên nghèo theo tiêu chuẩn của TP để nhân rộng".
Các chi hội đã khảo sát nhu cầu của hội viên trong diện này để có giải pháp hỗ trợ với phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho dân". Chính sự phấn đấu, ý chí vươn lên của các gia đình mà đến nay 81/83 hộ là hội viên thuộc 10 chi hội làm điểm nói trên đã thoát nghèo. Ban giảm nghèo bền vững TP.HCM thẩm định cho kết quả 9/10 chi hội hoàn thành việc hỗ trợ hội viên nông dân thoát nghèo.
Từ kết quả của công trình này nên năm 2020 Hội Nông dân của TP Thủ Đức cùng các huyện, quận và phường 28 (quận Bình Thạnh) đã nhân rộng công trình với 119 chi hội có hộ nghèo và cận nghèo thuộc 68 phường, xã, thị trấn tiếp tục với các hoạt động hỗ trợ. Tính đến nay, đã có 261/354 hộ hội viên nông dân được quan tâm hỗ trợ làm ăn, thoát nghèo tại các chi hội nói trên.
Gia đình nông dân Nguyễn Kim Thanh (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), là một trong những hộ thoát nghèo từ năm 2019, cho biết nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ đã vay được 50 triệu đồng mở rộng đàn bò sữa nên cuộc sống cả nhà đã ổn định hơn. Vợ anh Thanh làm công nhân may. Khi con anh chị vào đại học, Hội Nông dân xã còn giới thiệu để có thể vay vốn đi học, tặng luôn thẻ bảo hiểm y tế.
"Gia đình tôi đã thoát nghèo được mấy năm. Vợ chồng ráng làm nuôi con học hành để mai này con có công ăn việc làm cuộc sống sẽ ổn định hơn", anh Thanh bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) Tô Văn Tài cho biết các chi hội đề xuất để các hộ hội viên nông dân khó khăn tiếp cận với các nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ cây giống, con giống đạt chất lượng, cả hỗ trợ đào tạo nghề, chăm lo an sinh xã hội, trao học bổng, quà dịp lễ Tết, xây dựng hoặc sửa chữa nhà tình thương cho các gia đình.
Hội nông dân các cấp còn phối hợp cùng chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo bằng cách xây dựng lộ trình và các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình.
Khai mạc Đại hội Hội Nông dân TP.HCM
Hôm nay 26-9, Đại hội Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028) khai mạc với chủ đề "Đoàn kết - Đổi mới - Văn minh - Phát triển", triệu tập 300 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 57.000 hội viên nông dân TP tham dự. Đại hội diễn ra hai ngày, phiên trọng thể vào sáng 27-9 (dự kiến truyền hình trực tiếp trên HTV9).
Tại đại hội có khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, các ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại, chuyển đổi số, triển lãm hình ảnh hoạt động của hội và phong trào nông dân TP. Ngoài ra còn có không gian biểu diễn đờn ca tài tử.
Cũng với mảnh ruộng, miếng vườn xưa, nhiều nông dân ngày nay đã không làm nông đơn thuần mà học hỏi ứng dụng công nghệ để tăng giá trị cho mảnh đất quê mình.