Chú trọng vào theo dõi độ tươi thực phẩm
Nữ sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, Trường đại học Quốc Tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thắng giải ở lĩnh vực khoa học hóa chất và dược phẩm, thuộc chương trình The Global Undergraduate Awards 2023 - chương trình giải thưởng học thuật nhằm công nhận các công trình nghiên cứu ở bậc đại học trên thế giới.
Chia sẻ về ý tưởng đề tài, Linh cho biết bản thân đặc biệt quan tâm đến những nghiên cứu góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Do đó khi bắt tay vào làm luận văn tốt nghiệp, Linh nghĩ ngay đến đề tài về bao bì thông minh phân hủy sinh học kết hợp với các loại củ quả ăn được.
Sau khi trao đổi và nhận được gợi ý từ giảng viên hướng dẫn là PGS.TS Lê Ngọc Liễu - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, Linh dành ra khoảng 2 tháng tìm đọc các tài liệu liên quan về thanh long đỏ và củ dền nhằm đưa ra hướng nghiên cứu phù hợp.
Thanh long đỏ và củ dền có màu đỏ thẫm là do chúng chứa betacyanin - một chất chỉ thị màu tự nhiên, có nhiều hoạt tính sinh học như kháng khuẩn, kháng oxy hóa. Ngoài ra chất này rất nhạy với môi trường pH. Sự thay đổi pH trong thực phẩm là chỉ dấu cho thấy thực phẩm bắt đầu hư hỏng.
Theo Linh, khi quan sát bằng mắt thường, ta có thể nhận biết thực phẩm đang bị hư ở mức độ nào dựa trên màu sắc của màng bọc. Khi môi trường pH tăng, chiết xuất trong thanh long đỏ và củ dền sẽ thay đổi, khiến cho màng bọc có màu đỏ hoặc hồng tím dần chuyển sang màu cam, cuối cùng là có màu vàng nhạt hoặc mất màu khi đạt đến độ pH cao nhất là 12.
Trọng tâm của nghiên cứu là kết hợp lần lượt chất tạo màng sinh học chitosan với chiết xuất thanh long đỏ và chiết xuất củ dền để làm ra màng bọc thông minh có khả năng phân hủy sinh học và theo dõi độ tươi của thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm giàu protein như thịt và hải sản (tôm, cá).
Bước tiếp theo là so sánh chức năng và các tính chất vật lý giữa hai loại màng này. Chẳng hạn, "màng củ dền có khả năng cản ánh sáng, tia UV và hơi nước tốt hơn, trong khi màng thanh long đỏ lại dẻo hơn", Linh thông tin thêm.
Đề tài đáp ứng đủ các tiêu chí
Bước vào giai đoạn thí nghiệm, Thùy Linh đã trải qua vô số lần thất bại và phải loại bỏ khá nhiều mẫu. Bên cạnh đó, áp lực về thời gian nộp luận văn buộc Linh phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài.
Sau gần 4 tháng miệt mài, Linh đã gặt hái được "quả ngọt" đầu tiên khi đề tài nhận được số điểm khá cao từ hội đồng bảo vệ luận văn. Không lâu sau đó, Thùy Linh thành công ghi tên mình vào danh sách sinh viên được trao giải Global Winner.
Là người đề nghị Thùy Linh gửi đề tài đến chương trình The Global Undergraduate Awards, PGS.TS Ngọc Liễu khẳng định: "Đây là bài viết xuất sắc nhất về nhiều tiêu chí mà tôi từng hướng dẫn, bao gồm kết quả nghiên cứu, tư duy phân tích, biện luận, hiểu biết sâu về đề tài, biết cách lập luận đặt vấn đề, hiểu được tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng về mặt vĩ mô của đề tài, khả năng diễn giải cho người đọc. Việc Linh đạt thành tích ấn tượng tại giải thưởng này cũng không quá ngạc nhiên".
Sân chơi của sinh viên quốc tế
The Global Undergraduate Awards (UA) là chương trình giải thưởng học thuật hàng đầu thế giới nhằm công nhận các công trình nghiên cứu ở bậc đại học xuất sắc nhất, chia sẻ công trình này với khán giả toàn cầu và kết nối sinh viên thuộc nhiều nền văn hóa và ngành học. UA có tổng cộng 25 lĩnh vực và Global Winner được trao cho người đứng đầu của từng lĩnh vực đó.
Đi săn giải thưởng, sinh viên không chỉ có thêm nguồn thu nhập trang trải học phí và làm từ thiện mà còn học được nhiều điều quý báu.