Ngày 26/9, TAND Tp.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Hoàng Văn Cường (SN 1960, trú ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại trong vụ án được xác định là 25 cá nhân.
Theo cáo trạng truy tố, Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam do Lê Hồng Bàng thành lập từ tháng 4/2008. Công ty này không có vốn để hoạt động kinh doanh và cũng không hoạt động kinh doanh, không báo cáo tài chính theo quy định. Sổ sách kế toán thể hiện từ khi thành lập đến tháng 3/2009, doanh nghiệp này không có tiền và không có tài sản.
Nhưng từ tháng 2 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng cùng bị cáo Hoàng Văn Cường (Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh (Giám đốc Công ty CP Đầu tư và thương mại Hoàng Hà) bàn bạc và cùng nhau ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng 4 dự án nhà ở “trên giấy” gồm Dự án 683, Dự án Lộc Hòa, Dự án Cửu Long, Dự án Phương Đông (tại các địa điểm thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Tất cả đều chưa được UBND Tp.Hà Nội duyệt quy hoạch; chưa chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở; chưa xác nhận chủ đầu tư, không có quyết định phê duyệt giao đất làm dự án xây dựng nhà ở...
Bản thân bị cáo Cường biết rõ pháp nhân của ba doanh nghiệp liên quan đều không có chức năng kinh doanh dự án, không có khả năng về tài chính để đảm bảo thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, bị cáo Cường và Bàng, Linh đã tạo dựng hồ sơ pháp lý của các dự án, ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng các dự án; thuê làm các bản vẽ thiết kế dự án để phân lô, phân lô và ghi rõ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà để quảng bá giới thiệu với mọi người.
Sau đó, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân và tổ chức san lấp mặt bằng trái phép, khiến nhiều bị hại tin tưởng dự án là có thật và nộp tiền dưới hình thức hợp đồng vay vốn.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ từ tháng 6 đến tháng 7/2009, Hoàng Văn Cường đã thu tiền dưới hình thức ký hợp đồng vay vốn với 25 người có nhu cầu đăng ký mua căn hộ bằng phiếu thu tiền với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Ngoài ra, Cường còn nhận từ Lê Hồng Bàng 2,5 tỷ đồng (đây là tiền nằm trong số tiền Bàng chiếm đoạt của 397 bị hại) để lo chi phí dự án. Như vậy, tổng cộng Hoàng Văn Cường đã chiếm đoạt của các bị hại hơn 48 tỷ đồng và chưa khắc phục hậu quả.
Lê Hồng Bàng chiếm đoạt 347 tỷ đồng của gần 400 bị hại và đã nhận án tù chung thân từ năm 2018. Còn bị cáo Cường bỏ trốn cho đến tháng 10/2021 mới ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Hiện, Hà Tuấn Linh và một người khác cũng đang bị truy nã.
Tại phiên tòa, bị cáo Cường thành khẩn khai nhận hành vi như truy tố và cho rằng vì tin tưởng lời Lê Hồng Bàng là các dự án sẽ nhanh chóng được phê duyệt, triển khai nên mới nhận tiền của các bị hại khi chưa đủ cơ sở pháp lý.
Về số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Cường khai đã sử dụng hơn 21,3 tỷ đồng để mua đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân ở quận Bắc Từ Liêm, sử dụng một phần cho hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, số còn lại “rót” hết vào các dự án mà Công ty Cường Thịnh thi công ở một số địa phương, đến nay chưa thu hồi được.
Bào chữa cho bị cáo Cường, luật sư cho rằng theo hồ sơ vụ án thì 2,5 tỷ đồng nhận từ Lê Hồng Bàng là tiền bị cáo bán cổ phần doanh nghiệp. Trong số 25 bị hại thì có 4 bị hại chưa đến làm việc với CQĐT, cũng không có lời khai, không xác định được họ ở đâu.
Luật sư đề nghị phải truy thu hơn 21 tỷ đồng mà 33 hộ dân nhận được từ việc bán đất nông nghiệp (bất hợp pháp) cho bị cáo Cường và đồng phạm. Đây là số tiền nằm trong số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại nên cần phải thu hồi để giảm thiểu thiệt hại của vụ án.
Sau gần một ngày xét xử, HĐXX cho rằng bị cáo đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn và chưa khắc phục nên tuyên phạt mức án tù chung thân.