Ngày 27-9, ông Nguyễn Thành Nhơn (ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho hay thương lái đang thu mua lúa OM18 với giá từ 7.700 - 7.800 đồng/kg, nông dân trồng lúa thắng lớn. Trước đó, ngay từ lúc mới xuống giống lúa vụ này, ông Nhơn đã "chốt giá" với thương lái là 7.400 đồng/kg, lời ăn lỗ chịu.
"Lúa của nhà tôi còn khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Bây giờ thấy giá này cao hơn mức giá đã nhận tiền đặt cọc của thương lái trước đó nhưng tôi không tiếc vì đã có lời rồi. Điều nông dân lo lắng là thời tiết gần đây mưa suốt sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa của bà con", ông Nhơn nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Chính, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp), cho biết giá gạo xuất khẩu đang dao động từ 630 - 650 USD/tấn trong khoảng một tuần nay, còn lúa được thu mua với giá từ 7.600 - 8.000 đồng/kg đối với giống lúa thơm và 7.500 - 7.700 đồng/kg với giống lúa OM5451.
"Lượng lúa trong dân gần hết rồi nhưng sắp tới lượng lúa của An Giang sẽ thu hoạch nữa. Tôi đang bán gạo thơm xuất khẩu với giá 650 USD/tấn. Cụ thể, gạo OM5451 xuất khẩu có giá 610 - 630 USD/tấn; gạo thơm từ 630 - 650 USD/tấn. Đối với gạo ST có giá từ 700 - 730 USD/tấn. Gạo Việt Nam chưa giảm mà còn ổn định", ông Chính nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho biết giá lúa tại ĐBSCL được doanh nghiệp này thu mua ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg. Do đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu từ 630 USD/tấn trở lên chứ nếu dưới mức này là các doanh nghiệp sẽ thua lỗ.
"Với giá lúa này, giá gạo bán ra phải tương ứng từ 630 USD/tấn trở lên doanh nghiệp mới có lợi nhuận" - ông Bình nói và cho biết đơn vị này đang tập trung mua lúa để giao hàng cho các đối tác đã ký trước đó với giá xuất khẩu theo hợp đồng là 630 - 640 USD/tấn.
Bộ Công Thương chỉ đạo cấp bách trong bối cảnh thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.