Sáng 29-9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hội nghị tuyên truyền một số quy định pháp luật, quy định hiện hành liên quan đến đăng ký thường trú, căn cước công dân cho đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự hội nghị có bà Đinh Thị Phương Thảo, phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (chủ trì); thượng tá Hồ Thị Lãnh, phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM; bà Trần Thị Hồng Yến, phó phòng hộ tịch, quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM.
Tại hội nghị, trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, đội trưởng Đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM và bà Trần Thị Hồng Yến đã giải đáp nhiều thắc mắc của kiều bào về đăng ký cư trú và cấp căn cước công dân.
Đáng lưu ý có nhiều câu hỏi gửi về hội nghị liên quan quốc tịch Việt Nam. Nhiều người thắc mắc sau khi vượt biên hoặc rời Việt Nam "vì lý do nhạy cảm" thì còn quốc tịch Việt Nam hay không?
Những người này cho hay đã rời Việt Nam hơn 30 năm, mất hết giấy tờ, kể cả giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Song, họ có nỗi niềm day dứt về quốc tịch và muốn được công nhận là công dân Việt Nam, xác nhận quốc tịch Việt Nam nếu còn quốc tịch Việt Nam.
Bà Yến cho biết để tạo điều kiện cho kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chứng minh mình còn quốc tịch Việt Nam hoặc có nguồn gốc quốc tịch Việt Nam, nước ta có Luật Quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thủ tục xác nhận còn quốc tịch Việt Nam hoặc xác nhận có nguồn gốc Việt Nam.
Về mặt thẩm quyền, trường hợp kiều bào đã xuất cảnh và đang cư trú ở nước ngoài có thể liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao để xác nhận nguồn gốc Việt Nam.
Còn để xác nhận quốc tịch Việt Nam, kiều bào liên hệ cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp kiều bào đã về nước sẽ liên hệ sở tư pháp tỉnh, thành phố đang cư trú.
"Về hồ sơ, phần lớn phải xuất phát từ kiều bào để chứng minh nguồn gốc. Thành phần hồ sơ theo quy định đã có công bố rõ ràng trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia, gồm các loại giấy tờ như hộ chiếu, căn cước, giấy khai sinh...", bà Yến thông tin. Trường hợp không còn loại giấy tờ nào, kiều bào sẽ được hướng dẫn làm tờ khai.
Bà Yến cũng nêu ví dụ chẳng hạn như kiều bào nào đang ở tại TP.HCM có thể liên hệ Sở Tư pháp để được hướng dẫn thủ tục chứng minh nguồn gốc hoặc quốc tịch Việt Nam, tùy trường hợp, tình huống cụ thể sẽ có những tư vấn, giải thích rõ ràng.
Cũng tại hội nghị, nhiều kiều bào nêu thắc mắc về việc làm căn cước công dân. Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu giải đáp: kiều bào phải đăng ký thường trú tại Việt Nam mới được cấp căn cước công dân, trường hợp đăng ký tạm trú thì không được cấp.
Hàng nghìn người nước ngoài đã đăng ký thường trú tại TP.HCM
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu thông tin tính đến tháng 7-2023, tại TP.HCM có hơn 11,2 triệu nhân khẩu, mật độ dân số 5.385 người/km².
Từ năm 2021 đến nay, riêng việc đăng ký thường trú cho kiều bào ở nước ngoài tại TP.HCM đã giải quyết được 1.524 hộ và 4.737 nhân khẩu. Trong đó, thường trú là 303 hộ và 645 nhân khẩu. Tạm trú là 1.221 hộ và 3.995 nhân khẩu.
"Đây là số lượng rất lớn, thực hiện chủ trương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về Việt Nam an cư lạc nghiệp và đóng góp cho TP trong những sáng kiến, công trình khoa học lớn", bà Châu đánh giá.
Trong chuyến thăm Áo vào tháng 7-2023, dù lịch trình làm việc dày đặc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian đến thăm nhà tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà, chuyên gia vật lý lượng tử và giáo sư giảng dạy tại Đại học Bách khoa Vienna.