Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản chính thức thông tin một số vấn đề liên quan việc lấy gần 12 ha rừng thuộc vườn quốc gia Núi Chúa để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (gọi tắt là dự án nghỉ dưỡng Vĩnh Hy).
Việc này được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận sau khi có nhiều thông tin trái chiều về việc phải chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha rừng thuộc vườn quốc gia Núi Chúa để làm dự án.
Phải chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha rừng
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, dự án nghỉ dưỡng Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chủ trương lần đầu cho Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam hồi năm 2015.
Đến tháng 5-2022, dự án được điều chỉnh chủ trương lần thứ hai với quy mô xây dựng 100 biệt thự nghỉ dưỡng cùng các công trình dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật. Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án cũng đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt.
Dự án được thực hiện trên tổng diện hơn 64 ha. Trong đó, có gần 12 ha rừng phải chuyển mục đích sử dụng khác để thực hiện dự án, tại tiểu khu 150 thuộc phân khu dịch vụ, hành chính, do Ban Quản lý vườn quốc gia Núi Chúa quản lý. Trong gần 12 ha rừng trên, có 10,6 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, dự án nghỉ dưỡng Vĩnh Hy thực hiện trong phân khu dịch vụ hành chính của vườn quốc gia Núi Chúa, thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Quá trình thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý vườn quốc gia Núi Chúa phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam, MAB Việt Nam.
Điều này nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với các điều khoản đã cam kết quốc tế khi được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Công văn của Sở NN&PTNT Ninh Thuận nêu: gần 12 ha rừng cần chuyển đổi trên thuộc quy hoạch đưa ra ngoài ba loại rừng giai đoạn 2016-2025 theo nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận ban hành hồi tháng 5-2023. Chủ đầu tư dự án cũng cam kết trồng rừng thay thế với diện tích gấp ba lần diện tích chuyển đổi bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận.
Sở NN&PTNT cho hay cơ quan này đã thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ và dự thảo để UBND tỉnh xem xét, trình Bộ NN&PTNT thẩm định theo quy định.
Sẽ tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động
Theo Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận, chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gửi tham vấn đến Bộ TN&MT. Sau đó, Bộ TN&MT đã đăng tải nội dung tham vấn trên trang thông tin để tham vấn.
Theo báo cáo ĐTM, có 21 hộ dân, cá nhân đang sử dụng đất trồng điều trong khu vực dự án. Trong đó, một hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại 20 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận. Dự án cũng chiếm dụng 4.800 m2 diện tích mặt nước, hơn 1.100 m thuộc hạ lưu suối Bãi Cóc.
Về đa dạng sinh học, ĐTM của dự án cho rằng khu vực dự án có dạng thảm thực vật trên vùng sinh thái bán khô hạn, hầu hết là cây rụng lá mùa khô, thấp lùn, mật độ phân bố thưa vào khoảng 150- 230 cây/ha. Các loài cây đặc trưng như cóc chuột, bình linh, chiêu liêu, bằng lăng… Các loài quý hiếm tuy có nhưng số lượng ít, sinh trưởng kém như mun, cẩm lai, gõ mật..
Động vật ghi nhận có 268 loài, trong đó thú có 15 loài, chim có 56 loài, côn trùng có 169 loài. ĐTM cho rằng so với danh sách các loài thú quý hiếm cần được bảo tồn khu vực vườn quốc gia Núi Chúa thì khu vực dự án không có loài nào.
Cũng theo Sở TN&MT, dự án đã kết thúc tham vấn hôm ngày 26-9 và Bộ TN&MT sẽ gửi kết quả tham vấn cho chủ đầu tư. Dự kiến, tháng 11-2023, chủ đầu tư sẽ tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra.
Trên cơ sở ý kiến của dân cư, chủ đầu tư sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình kết quả tham vấn và hoàn thiện ĐTM trình Bộ TN&MT thẩm định theo quy định.
Chiều cao công trình dự án không quá 12 m
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, các công trình xây dựng của dự án nghỉ dưỡng Vĩnh Hy chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chiều cao tối đa của công trình không quá 12 m; mật độ xây dựng thấp, hạn chế chặt phá cây rừng, ít tác động tới hệ thực vật sẵn có, đảm bảo tối đa giữ gìn cảnh quan tự nhiên.
Sở NN&PTNT cho rằng dự án sẽ không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa khu vực.