Tuổi Trẻ Online ghi nhận từ 19h ngày 29-9, tức 15 tháng tám âm lịch (Tết Trung thu), nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã đổ dồn lên các địa điểm như hồ Hoàn Kiếm, Hàng Mã, Phùng Hưng, phố cổ đón Trung thu.
Tại một số tuyến đường, phố như Hàng Bài, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Hàng Bông, tình trạng ùn tắc cục bộ diễn ra. Người dân phải vất vả di chuyển. Cơn mưa kết thúc vào khoảng 20h cùng ngày.
Đến 21h30 cùng ngày, thời tiết mát mẻ, gió thu nhẹ khiến nhiều người thích thú. Các gia đình đưa con nhỏ đi dạo vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi đang diễn ra Festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề Thu Hà Nội - Đến để yêu. Sự kiện này sẽ diễn ra tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và Cung Thiếu nhi Hà Nội từ ngày 29-9 đến 1-10.
Đây là dịp Hà Nội quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, điểm đến của thủ đô. Đồng thời, lễ hội này là nơi để giới thiệu các giá trị độc đáo của làng nghề, di sản văn hóa của Hà Nội - những giá trị được coi là tinh hoa của cả nước và những nét đặc trưng riêng.
Bên cạnh đó, lễ hội cũng có nhiều hoạt động bên lề như diễu hành, trình diễn của các quận, huyện như múa lân sư rồng của huyện Thanh Oai; rước đèn Trung thu của huyện Sơn Tây; trình diễn diều Đông Anh; múa rối cạn Tế Tiêu - Mỹ Đức.
Phấn khởi dắt hai con nhỏ đi chơi, vợ chồng anh Hiếu, chị Mai, trú quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết cả nhà ăn cơm sớm, chuẩn bị quần áo đẹp để đi chơi Trung thu nhưng cơn mưa khiến kế hoạch chậm đi khoảng nửa tiếng.
"Mưa vừa dứt, hai vợ chồng cùng các con lên hồ Hoàn Kiếm để đi dạo, tận hưởng không khí ngày trăng rằm. Mấy năm rồi ảnh hưởng cho dịch, năm nay không khí thực sự nhộn nhịp, đúng chất Trung thu", anh Hiếu bày tỏ.
TTCT - Hết hè, mùa tựu trường là Tết Trung thu đến. Đứa con nít nào cũng háo hức, nhất là khi trong nhà thấy người lớn soạn khuôn bánh, lò nướng ra để làm bánh dẻo, bánh nướng, bánh con heo...