Cứ tưởng i, y là do cách viết vì đều được đọc là i nhưng không ngờ lớn chuyện khi UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Thủ tướng điều chỉnh để TP Quy Nhơn được viết thống nhất là Quy Nhơn (tức y chứ không phải i).
Theo đó, tỉnh này đã gửi công văn đề nghị các bộ Nội vụ, Công an, KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng đổi tên TP Qui Nhơn thành TP Quy Nhơn cho khớp với các quyết định thành lập và trên con dấu hành chính của địa phương đang sử dụng.
Tỉnh này cũng đề nghị Bộ Tư pháp cập nhật, điều chỉnh tên đơn vị hành chính TP Quy Nhơn trên hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung phục vụ công tác cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia…
Từ sự thiếu nhất quán của một quyết định
Cần lưu ý Quy Nhơn là tên gọi chính thức của một TP thuộc tỉnh Bình Định căn cứ theo Quyết định 81/HĐBT ngày 3-7-1986 của Hội đồng Bộ trưởng. Chữ y trong địa danh này đã được chính quyền địa phương sử dụng trên tất cả văn bản hành chính từ sau năm 1975. Thời điểm 1986, từ đề xuất của UBND tỉnh Nghĩa Bình (gồm hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi gộp lại cho đến năm 1989 thì tách ra), Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép Quy Nhơn được mở rộng diện tích và được nâng từ thị xã thành TP.
Dựa theo quyết định đó, UBND tỉnh Bình Định đã tiếp tục viết, dùng thống nhất là Quy Nhơn trong mọi hoạt động của bộ máy kể từ năm 1986 cho đến nay.
Ấy thế, khi ban hành danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, Quyết định 124 ngày 8-7-2004 của Thủ tướng lại ghi là TP Qui Nhơn. Đây là sự không nhất quán của Quyết định 124 chứ không thể nói TP Quy Nhơn đã được đổi thành Qui Nhơn. Bởi lẽ Quyết định 124 không đề cập và cũng không có nội dung sửa đổi Quyết định 81 mà theo đó tên Quy Nhơn đã được công nhận hợp pháp.
Thiếu sót này có thể vì những người soạn thảo Quyết định 124 đã không lưu ý xem xét đến Quyết định 81. Họ không thường viết y sau chữ qu như cách viết của số đông và đã quá đơn giản là viết y hay i đều được bất kể có thể gây ra xáo trộn do sẽ dẫn đến việc thay đổi tên địa lý.
Nhiều văn bản sau này của Chính phủ đều ghi là Quy Nhơn cho thấy không có chuyện TP Quy Nhơn được đổi tên là Qui Nhơn. Quyết định 159 ngày 25-1-2010 của Thủ tướng về việc công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bình Định đã ghi là TP Quy Nhơn. Gần hơn, Quyết định 318 ngày 1-3-2020 của Thủ tướng công nhận việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 cũng ghi là TP Quy Nhơn…
Một góc TP Quy Nhơn hiện nay. Ảnh: VÕ LÂM THIÊN
Quy về cách viết “Quy Nhơn” là phù hợp
Từ kiến nghị đã nêu của Bình Định, thêm lần nữa cho thấy chữ y, i đang được viết bất nhất và quan trọng là hiện không có quy tắc chính tả cấp quốc gia (hay quy tắc chính tả trong văn bản hành chính) để điều chỉnh việc này.
Trước giờ, chúng ta chỉ có quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành mà lúc thế này, lúc thế khác. Theo một quyết định năm 1980 của bộ này, đối với các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì đều viết là i (trừ uy, duy, tuy, quy).
Nay theo Quyết định 1989/2018 cũng của bộ này thì cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối như sau: Trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì viết là i (như: hi vọng, kỉ niệm, mĩ thuật, lí luận…). Trường hợp âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết đúng theo tên riêng đó (như: bản Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc…).
Trừ tên người hay tên địa lý đã được đặt hay được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định là y hay i thì phải viết y như thế, hướng dẫn còn lại của quyết định trên rất không thuận mắt, thuận tay của rất nhiều người. Theo sách vở thời trước và trên thực tế, mọi người vẫn thường viết y cho những từ Hán Việt (như: kỷ yếu, học kỳ, quốc kỳ, kỳ vọng…); viết i cho những từ thuần Việt (như: tỉ mỉ, (cười) hi hi…).
Trước mắt, trên nguyên tắc tên riêng nêu trên, với Quyết định 81/HĐBT ngày 3-7-1986 và chưa có văn bản nào thay thế thì cần phải viết giống nhau là Quy Nhơn chứ không nên khác hơn. Quyết định 124/2004 của Thủ tướng cần được sửa đổi để Qui Nhơn thành Quy Nhơn. Những đề nghị khác của UBND tỉnh Bình Định có liên quan đến tên địa lý Quy Nhơn cũng cần sớm được các cơ quan chức năng chấp thuận để giảm thiểu rắc rối.