Làm gì để thu hút FDI chất lượng cao?
Trần Văn Thọ
(TBKTSG) - Muốn công nghiệp hóa đất nước phải đón được dòng đầu tư có chất lượng, và muốn đón được dòng đầu tư này thì phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng.
Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của làn sóng đầu tư mới. Ảnh: NGỌC LINH |
Hiện trạng công nghiệp và FDI tại Việt Nam
Cơ cấu công nghiệp Việt Nam hiện nay còn mỏng, tuy có tiến triển hơn trước nhưng tính chất gia công, lắp ráp còn mạnh nên phải nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian, phụ kiện, đặc biệt nhập nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện đang có làn sóng mới chuyển dịch một phần cơ sở sản xuất từ “công xưởng thế giới” Trung Quốc sang Asean và Ấn Độ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19.
Việt Nam nên tích cực đón dòng thác vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này để đẩy mạnh thay thế nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, qua đó giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề: tăng cường, làm thâm sâu cơ cấu công nghiệp, giảm nhập khẩu và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và Hàn Quốc.
Một vấn đề khác, nhìn cơ cấu các nước đầu tư tại Việt Nam ta thấy các nước mới phát triển và ở gần Việt Nam chiếm vị trí áp đảo. Trừ Nhật Bản, hầu như không thấy vai trò của các nước tiên tiến. Cho đến nay đầu tư ở Việt Nam chủ yếu là Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Trong các nước tiên tiến chỉ có Nhật Bản là đáng kể nhưng cũng chưa phát huy hết tiềm năng.
So với những nước đã phát triển hàng trăm năm như Âu - Mỹ và Nhật Bản, các nước chung quanh Việt Nam trình độ công nghệ còn thấp, chưa hoặc ít có các công ty đa quốc gia tầm cỡ. Ngoài ra, văn hóa kinh doanh, tinh thần trách nhiệm xã hội của phần lớn các doanh nghiệp tại các nước này cũng kém.
Nhân cơ hội có làn sóng mới, Việt Nam nên nỗ lực thu hút các dự án FDI quy mô lớn, có công nghệ cao từ các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng Âu - Mỹ và Nhật.
Lập một số trường trung học phổ thông chuyên nghiệp, trong đó học sinh vừa học các môn thông thường như trung học phổ thông (nhưng ít hơn) và dành thời gian học ngay vào chuyên môn. Hệ trung học phổ thông chuyên nghiệp này có thể kéo dài thành bốn năm. |
Từ khi có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của làn sóng đầu tư mới. Chẳng hạn, theo điều tra của JETRO vào cuối năm 2019, trong số 142 doanh nghiệp Nhật Bản (tham gia điều tra) có dự định di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, 37 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến, trong khi 21 doanh nghiệp chọn Thái Lan và 9 doanh nghiệp trở lại Nhật đầu tư.
Về việc tìm nguồn cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Nhật cũng chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác và Việt Nam chiếm vị trí thứ nhất.
Tuy vậy, đó mới chỉ là dự định. Trên thực tế chưa thấy Nhật Bản và các nước tiên tiến đầu tư nhiều. Ngược lại, các nước chung quanh Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, thì tích cực triển khai. Chẳng hạn trong sáu tháng đầu năm nay, trong số 12 tỉ đô la vốn FDI đăng ký vào nước ta, Singapore đứng đầu, tiếp theo là Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Vị trí của Nhật Bản rất khiêm tốn, chỉ xếp thứ 7.
Nếu để làn sóng FDI vào Việt Nam một cách tự phát thì có thể gây ra một số bất lợi cho công nghiệp Việt Nam. Trước tiên, FDI từ ngành nào cũng cho phép vào thì sẽ gây ra sự cạnh tranh không cần thiết đối với doanh nghiệp trong nước. Thứ đến, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn cung cấp khác như điện, nước... có giới hạn, không thể tăng nhiều trong thời gian ngắn, do đó nếu để các dự án FDI kém chất lượng vào nhiều sẽ làm hạn chế FDI ở những lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên.
Những điều cần làm để đón được dòng FDI chất lượng cao
Để tránh tình trạng trên, Việt Nam cần chủ động định hướng dòng chảy FDI và chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nhân lực để thu hút các dự án có công nghệ cao, có sức lan tỏa, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp. Cụ thể, cần có các chính sách sau:
Thứ nhất, chỉ định một số khu công nghiệp có tiềm năng tiếp nhận các dự án FDI quan trọng và tập trung cải thiện hạ tầng, cải thiện quản lý của các khu công nghiệp ấy. Việt Nam có nhiều khu công nghiệp nhưng số khu công nghiệp bảo đảm các điều kiện cung cấp về điện, nước, và các hạ tầng khác không nhiều. Từng bước tập trung đầu tư để tăng các khu công nghiệp có chất lượng.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ (cụ thể là không cấp phép hoặc không cho phép đầu tư ở các khu công nghiệp có chất lượng cao nói trên, không áp dụng các ưu đãi về thuế...).
Thứ ba, khẩn trương lập kế hoạch ngắn và trung hạn về việc cung cấp nguồn nhân lực đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của dòng chảy FDI mới. Điểm này sẽ được giải thích chi tiết hơn dưới đây.
Thứ tư, lập danh mục các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu tham gia mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia sắp đầu tư ở Việt Nam. Hầu hết các công ty này đều thuộc diện nhỏ và vừa, thường gặp khó khăn về vay vốn, về đối phó với quản lý nhiêu khê ở địa phương. Chính phủ cần tích cực hỗ trợ để họ giải quyết các vấn đề này.
Thứ năm, lãnh đạo Chính phủ (Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng liên quan) tích cực tiếp thị đối với các tập đoàn đa quốc gia có uy tín của Mỹ, Nhật Bản..., giải thích kế hoạch phát triển sắp tới của Việt Nam và những chuẩn bị về hạ tầng, lao động và công nghiệp hỗ trợ nói trên, đồng thời tiếp nhận các yêu cầu của phía các công ty đa quốc gia để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa.
Đặc biệt điểm thứ ba và thứ tư ở trên cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc yểm trợ doanh nghiệp trong nước và đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá cao việc củng cố nội lực này, vì nó sẽ bảo đảm cho họ nguồn cung cấp công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực cần thiết.
Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới
Một trong những điểm nghẽn quan trọng của công nghiệp hóa Việt Nam nói chung và hoạt động của các dự án FDI quy mô lớn nói riêng là thiếu lực lượng lao động lành nghề, tuy dân số đông và lực lượng lao động không nhỏ. Để đón đầu có hiệu quả dòng FDI mới, phải tăng khả năng cung cấp lực lượng lao động đủ tiêu chuẩn.
Vấn đề ở đây là Việt Nam cần làm gì trong ngắn hạn (trong vòng một năm) và trong trung, dài hạn phải có kế hoạch đào tạo ra sao để giải quyết điểm nghẽn này?
Trong ngắn hạn, cần khẩn trương điều tra và lập danh mục lao động đã qua đào tạo để nắm tình hình về mặt cung và cung cấp cho các dự án FDI sắp triển khai để họ an tâm về mặt này. Danh mục này phải bao gồm cả lực lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài. Riêng tại Nhật Bản, số thực tập sinh đã hoàn tất các khóa thực tập đã là trên 2.300 người. Nếu kể cả số người đang thực tập con số sẽ rất lớn. Đây là nguồn lao động hấp dẫn đối với các dự án FDI từ Nhật Bản.
Trong trung và dài hạn, cần tái cơ cấu, tổ chức lại hình thái đào tạo các bậc trung học phổ thông, trung cấp và cao đẳng. Đây là các bậc học mà người tốt nghiệp đông đảo, đủ cung cấp số lượng cho nhu cầu lao động. Vấn đề là làm sao bảo đảm về mặt chất lượng.
Trong thời đại công nghệ 4.0, nói về người lao động trung cấp trở lên, cần tạo cho họ có khả năng đọc tiếng Anh, sử dụng máy tính, và quen với việc truy cập internet. Nhưng đó mới chỉ là năng lực cơ bản, nên phải đào tạo cho họ thêm khả năng suy luận để phân tích, giải quyết vấn đề, và có văn hóa để làm việc có trách nhiệm và ứng xử tốt với người khác.
Để nhanh chóng cung cấp đủ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, cải cách nội dung một số trường trung học phổ thông và chuyển trung cấp, cao đẳng thành đại học đoản kỳ (hai năm) là hiệu quả nhất. Tại đại học đoản kỳ, sinh viên học một năm văn hóa và một năm chuyên môn như kế toán, quản lý, kỹ thuật, thư ký văn phòng, quản lý trung gian ở nhà máy... Nhu cầu lao động ở trình độ này rất cao.
Tại Việt Nam hiện nay, bậc trung cấp tương đương với đại học đoản kỳ hai năm, nhưng tên gọi như vậy không hấp dẫn người đi học và trên thực tế bậc học này cũng không được đầu tư đúng mức. Còn cao đẳng thì mất ba năm nên tâm lý người đi học muốn vào thẳng đại học bốn năm.
Theo tôi, cần chỉnh lý lại hai loại hình này và thống nhất thành đại học đoản kỳ hai năm, bảo đảm chương trình học tốt và có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Làm được điều này sẽ tạo sự hấp dẫn, giải quyết tình trạng nhiều người muốn vào đại học (bốn năm) nhưng khi ra trường thì thất nghiệp hoặc chỉ làm những việc ngoài chuyên môn.
Ngoài ra, nên lập một số trường trung học phổ thông chuyên nghiệp, trong đó học sinh vừa học các môn thông thường như trung học phổ thông (nhưng ít hơn) và dành thời gian học ngay vào chuyên môn. Hệ trung học phổ thông chuyên nghiệp này có thể kéo dài thành bốn năm, thay vì ba năm như trung học phổ thông hiện nay.
Trong chương trình học ở đại học đoản kỳ hay trung học phổ thông chuyên nghiệp, nên có mục thực tập ngắn hạn ở các doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của đại học đoản kỳ và trung học phổ thông chuyên nghiệp, cho giới trẻ thấy là tốt nghiệp ở các trường nói trên sẽ “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, và có nhiều cơ hội tiến thân trong xã hội (có năng lực sẽ giữ các chức vụ cao trong công ty...).
Xem thêm: lmth.oac-gnoul-tahc-idf-tuh-uht-ed-ig-mal/127703/nv.semitnogiaseht.www