Liên quan tới vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") lừa đảo chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng tiền thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, cơ quan điều tra đã kê biên hàng loạt tài sản của Út “trọc".
Kê biên hàng loạt tài sản
Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản là phần vốn góp trị giá 82,2 tỷ đồng đứng tên công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh tại công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì để liên doanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới, dành riêng cho giao thông đường bộ, qua Sông Lô, trên quốc lộ 2 của Đinh Ngọc Hệ;
Kê biên phần vốn góp trị giá 123 tỷ đồng đứng tên công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh tại công ty cổ phần BOT và BT quốc lộ 20 để liên doanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kê biên tài sản hơn 48 triệu cổ phần trị giá hơn 533 tỷ đồng đứng tên các công ty cổ phần của Út “trọc” (công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh, công ty cổ phần An Hiền, công ty cổ phần đầu tư Cái Mép) tại tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.
Ngoài ra, số vốn góp hơn 4 tỷ đồng đứng tên Út “trọc” trên hợp đồng góp vốn với xí nghiệp thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải thuộc công ty cổ phần vận tải ô tô số 06 để thi công hạ tầng, phân lô 10 lô đất tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A, Quận 9, TPHCM cũng bị kê biên.
Không chỉ kê biên cổ phần, vốn góp tại các công ty, cơ quan cảnh sát điều tra cũng kê biên một số bất động sản của “Út trọc” gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 247 m2 và tài sản trên đất tại số 72, đường số 3 (nay là đường Nguyễn Cừ), phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM, căn biệt thự BT02, diện tích 143,5m2 tại Khu nhà ở Licogi 13 (ở Hà Nội). Số tiền 5,4 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của Út “trọc” tại ngân hàng BIDV cũng đã bị cũng bị cơ quan điều tra ra lệnh phong tỏa.
Còn hơn 13 triệu cổ phần đứng tên công ty cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An (công ty của “Út Trọc”) tại tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 cũng bị kê biên, tuy nhiên số cổ phần này có giá trị bao nhiêu chưa được đề cập.
Út “trọc” triệt để tận dụng mối quan hệ với lãnh đạo
Về nguyên nhân xảy ra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra xác định Út "trọc" đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, thông qua chức phó tổng giám đốc tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng ), Út "trọc" đã thành lập nhiều công ty giao người thân, họ hàng đứng tên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để đủ tư cách tham gia đấu thầu, đấu giá, liên kết.
Do đó, Út "trọc" đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ để đủ tư cách, năng lực, quan hệ với các tổ chức tín dụng vay vốn, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết chiếm đoạt tài sản.
Về phía các cá nhân trong các cơ quan Nhà nước được giao quản lý tài sản, cơ quan điều tra xác định khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã tin tưởng vào Út "trọc" là người có quan hệ rộng, có tầm ảnh hưởng đã không làm đúng quy định của pháp luật trong kiểm tra hồ sơ năng lực, hồ sơ kinh nghiệm, giao tài sản Nhà nước cho Út "trọc" trái pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng chỉ ra một số quy định chưa phù hợp. Trong vụ án này, quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể cho các trường hợp bán đấu giá tài sản Nhà nước trong trường hợp đặc biệt, có giá trị đặc biệt lớn. Cạnh đó, quy định về bán chỉ định tài sản Nhà nước tại các văn bản còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất dẫn đến cách hiểu và áp dụng không đúng.
Xuân Duy
Xem thêm: mth.69424957030900202-cort-tu-auc-gnuhk-nas-iat-neib-ek/taul-pahp/nv.moc.irtnad