vĐồng tin tức tài chính 365

'Không sửa chữa cầu Thăng Long bằng công nghệ Trung Quốc'

2020-09-04 18:29

'Không sửa chữa cầu Thăng Long bằng công nghệ Trung Quốc'

Lê Anh

(TBKTSG Online) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam Việt Nam khẳng định dự án sửa chữa cầu Thăng Long (cây cầu nối giữa trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài) sử dụng công nghệ lõi của châu Âu. Còn hai kỹ thuật viên Trung Quốc chỉ thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị của nhà thầu.

Cầu Thăng Long đang được sửa chữa. Ảnh: TTXVN

Chiều 4-9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố thông tin liên quan đến việc sửa chữa cầu Thăng Long, Hà Nội sau khi có nhiều thông tin cho rằng cây cầu này được sửa chữa bằng công nghệ Trung Quốc vì có người chuyên gia của nước này làm việc ở dự án.

Tổng Cục Đường bộ cho biết giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công. Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Tất cả giải pháp công nghệ trên được Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất từ quá trình học tập, vận dụng các kinh nghiệm, kết quả đã được công bố ở nhiều nước châu Âu và áp dụng đầu tiên ở Hà Lan. Công nghệ này nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.

Vật tư thi công dự án chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước; máy trang rải, đầm bê tông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… hoặc có thể tự chế tạo. Công tác cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Phương Thành thực hiện.

Công việc sơn chống gỉ, hàn đinh neo và lắp đặt cốt thép, thay thế sáu khe co giãn do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Vĩnh Hưng và Thuận An thực hiện. Trong đó, toàn bộ hệ thống khe co giãn nhập khẩu khe mô đun theo tiêu chuẩn châu Âu của hãng Mageba (Thụy Sỹ).

Vật liệu UHPC được sản xuất trong nước và được Viện Khoa học công nghệ xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn của Pháp với các thành phần cấp phối chủ yếu là cát thạch anh lấy tại Cam Ranh (Khánh Hòa), xi măng PC50 của nhà máy xi măng Nghi Sơn - Thanh Hóa và một số vật liệu nhập khẩu: silicafume, sợi thép cường độ cao và các loại phụ gia.

Thiết bị được sử dụng thi công dự án bao gồm trạm trộn để sản xuất hỗn hợp UHPC của hãng Skako nhập khẩu từ Đan Mạch; thiết bị rải UHPC và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Trung Quốc. Toàn bộ công việc vận hành thiết bị từ sản xuất vật liệu UHPC, trộn, rải và bảo dưỡng đều do các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, công nhân của Công ty Thành Hưng thực hiện.

Liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc làm việc trong dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đây là hai kỹ thuật viên thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng UHPC của nhà thầu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định việc lựa chọn thiết bị là do nhà thầu trên cơ sở kinh tế - kỹ thuật và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long bắt đầu thi công từ ngày 16-8. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quí 4-2020.

Mời xem thêm:

Nhiều sai phạm tại các công trình giao thông trọng điểm

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-ehgn-gnoc-gnab-gnol-gnaht-uac-auhc-aus-gnohk/258703/nv.semitnogiaseht.coaid

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Không sửa chữa cầu Thăng Long bằng công nghệ Trung Quốc'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools