Trưởng thành từ tình yêu thương, Phong cũng đang chọn cách chia sẻ yêu thương bằng cách phát triển bản thân thành một nhà hoạt động xã hội
"Năng lực mà tôi có đến từ lòng yêu thương con người. Tôi lớn lên bằng những bữa ăn từ thiện, bằng sự chăm sóc của Làng trẻ em SOS, và học đại học bằng sự đóng góp của cộng đồng. Tôi tự hào và vô cùng biết ơn tình yêu thương đó", đó là câu trả lời của Lê Hoàng Phong (28 tuổi) cho câu hỏi: Năng lực tiềm ẩn của bạn đến từ đâu?.
Với bài luận đó, Phong đã giành được tấm vé trở thành người Việt Nam thứ 16 tham dự diễn đàn Alpbach European Forum 2019 tại Áo trong suốt lịch sử 75 năm của diễn đàn này.
Tự hào là người Việt Nam
Phong là cậu bé trong bài viết Trưởng thành từ ngôi nhà có 40 anh chị em trên báo Tuổi Trẻ cách đây 2 năm. 2 năm qua, cậu bé mồ côi lớn lên trong ngôi nhà của mẹ Hạnh ở Làng trẻ SOS năm nào đã được trao rất nhiều cơ hội và bắt đầu hành trình chia sẻ yêu thương của chính mình.
"Sau bài báo, tôi được Làng trẻ em SOS Việt Nam lựa chọn làm đại sứ gây quỹ và đã gây được 1,7 tỉ đồng. Sau đó, tôi nộp đơn tham gia 2 học bổng, một là diễn đàn về giáo dục ở Columbia (Mỹ), và một là Diễn đàn châu Âu Alpbach tổ chức tại Áo, và đều may mắn được lựa chọn", Phong kể về hành trình đến với Alpbach - chuyến đi đã thay đổi tâm thế của một chàng trai với background "trẻ mái ấm".
Đó là lần đầu tiên Phong đến châu Âu, gặp gỡ tổng thống Áo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và ngồi chung lớp học về môi trường với những sinh viên đến từ Harvard, Cambridge, Oxford…
Trong lớp học chủ đề Water security for people and nature (An ninh về nước cho con người và tự nhiên), Phong đã trình bày sáng kiến mang tên Global Water Citizen, dưới hình thức một triển lãm để mọi người thấy giá trị của nước trong tương quan với triết lý cuộc sống của con người, giá trị của nước với nhân phẩm của người phụ nữ...
“Sáng kiến của tôi đã được bình chọn vào top 3. Tôi nhận ra có thể tôi không giỏi bằng những sinh viên ở các trường top đầu thế giới có mặt tại đây, nhưng tôi có những giá trị để tự tin vào bản thân mình. Khi tôi giới thiệu tôi là người Việt Nam, trình bày về cách thức quản trị nguồn nước ở Việt Nam, tôi đã được mọi người cổ vũ hết mình.
Tôi đã tự tin giao lưu với tất cả mọi người và đã mạnh dạn trò chuyện, chụp ảnh chung với bác Ban Ki Moon. Khi bác biết tôi là người Việt Nam, bác ấy đã nói “xin chào, bạn khỏe không?” bằng tiếng Việt, khiến tôi rất bất ngờ” - Phong kể.
Sau diễn đàn, Phong cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên được bầu làm đại sứ, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên giành học bổng chương trình - trở thành đại biểu lần 2 của diễn đàn Alpbach vào năm tiếp theo, tổ chức online vào tháng 8-2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Mẹ đã nuôi tôi không phải vì tiền
Kể về hành trình 2 năm qua, Phong nói rằng may mắn bởi được yêu thương, được lựa chọn để trao cơ hội và nhận lấy cơ hội với lòng biết ơn. Vừa chuẩn bị cho mùa 2 của diễn đàn Alpbach 2020 và một diễn đàn quốc tế khác ở Bỉ, Phong vừa đang khởi động cho dự án khởi nghiệp đầu tiên - Thư quán doanh nhân.
Gặp nhau ở quán cà phê, Phong chìa xấp hồ sơ với tờ giấy phép thành lập doanh nghiệp, không giấu nổi hào hứng. Vẫn là một dự án đào tạo tiếng Anh và vẫn với mục tiêu giúp người học rèn giũa tinh thần “lãnh đạo bản thân”.
Ba năm trước, Phong về Tây Ninh tham gia dự án Teach For Vietnam, không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí mà còn dạy cho các em trân trọng về giá trị bản thân, tự tin với chất giọng địa phương ngay cả khi nói tiếng Anh “để từ đó hiểu và trân trọng sự đa dạng trong một thế giới đầy phức tạp”.
“Lần này, tôi lập doanh nghiệp nhưng không muốn lấy mác thành công để dạy Anh văn, để thu tiền. Bản thân tiếng Anh chỉ là công cụ. Chúng tôi thiết kế chương trình học để dạy kỹ năng và cả tư duy lãnh đạo bản thân, bởi “giỏi tiếng Anh mà không có tinh thần lãnh đạo bản thân thì cũng không dẫn mình đến đâu”.
Với mức phí 1 triệu đồng/tháng, chúng tôi muốn tạo ra một mô hình để mọi người bình đẳng trong giáo dục. Họ không cần mất nhiều tiền để sử dụng được tiếng Anh cho mục đích của mình” - anh chia sẻ.
Lớp học đầu tiên của Thư quán doanh nhân đã khai giảng khóa đầu tiên vào giữa tháng 7-2020 với 12 học viên.
Trong câu chuyện của Phong cũng luôn có hình ảnh của mẹ Hạnh - người mẹ ở ngôi nhà số 18 Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP.HCM) đã nuôi Phong từ thuở còn là một đứa trẻ mấy chục ngày tuổi èo uột, đã chở Phong về Củ Chi vay của chị gái 1 chỉ vàng để Phong đóng tiền khóa học tiếng Anh đầu tiên.
Phong nói: “Tôi có cơ hội làm công việc kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi nghĩ về mẹ Hạnh, người mẹ ở làng SOS đã nuôi tôi chắc chắn không phải vì tiền. Mẹ nghèo nhưng chưa bỏ tôi một ngày nào. Tôi ăn cơm từ cộng đồng, đi học nhờ cộng đồng, không lẽ giờ lại chỉ làm công việc kiếm tiền. Nếu chỉ kiếm tiền, tôi sẽ đánh mất đi những giá trị mình có được” - Phong chiêm nghiệm.
ALPBACH là một diễn đàn thường niên đã bước sang năm thứ 75 quy tụ những người-ra- quyết-định hoặc tạo ra sự thay đổi. Họ là các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WTO), những nhà khoa học đoạt giải Nobel… Mỗi năm khoảng 5.000 đại biểu cùng với 700 bạn trẻ được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới cùng về để thảo luận về những chủ đề ở vô số các lĩnh vực trong 17 ngày của diễn đàn.
TTO - Mẹ mất từ khi còn là em bé ẵm ngửa, Phong về Làng trẻ em SOS Gò Vấp với mẹ Nguyễn Thị Hạnh lúc mới 7 tháng tuổi.