Kỹ thuật viên Phạm Thị Hà Giang xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để tìm virus - Ảnh: B.D.
Nhiều ngày nhốt mình từ sáng tới tối khuya trong labo xét nghiệm lưu động, Phạm Thị Hà Giang (34 tuổi), trợ lý nghiên cứu Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), làn da trắng bệch, mái tóc dài cũng đã được búi gọn để tránh vướng víu.
Vinh dự vì được có mặt ở "điểm nóng"
Phạm Thị Hà Giang cho biết ngay khi bùng phát ca dịch ở Đà Nẵng, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga nhận được lệnh từ Bộ Quốc phòng yêu cầu điều xe tức tốc lên đường hướng về Đà Nẵng. Cùng xung phong chống dịch với Giang còn hai cán bộ trẻ khác. Đó là cô gái trẻ Đặng Việt Hương (27 tuổi) và chàng trai Trịnh Văn Toàn (26 tuổi).
Ít ai biết rằng chỉ vài ngày trước lúc lên đường vào Đà Nẵng, Toàn đã có kế hoạch dẫn gia đình mình tới nhà bố mẹ bạn gái làm lễ ra mắt. "Nhưng vào Đà Nẵng chống dịch không chỉ là nhiệm vụ, với tôi đó là một vinh dự khi được đứng trong một điểm nóng, hỗ trợ mọi người vượt khó khăn" - Toàn nói.
Đêm ấy êkip phụ trách xe xét nghiệm lưu động Bộ Quốc phòng đã thức trắng đêm để gắn máy móc lên labo, huy động nguồn sinh phẩm đủ dùng cho những ngày tác chiến ở Đà Nẵng. Giang đã gọi điện về cho bố mẹ ở Bắc Ninh đón taxi lên Hà Nội đưa cháu ngoại về. 5h sáng, cô gái trẻ một tay bế cậu con trai 6 tuổi còn ngái ngủ, tay kia kéo vali xuống sảnh chung cư. Dưới đó, bố mẹ cô cùng vừa tới để đón cháu "cho con gái đi công tác đột xuất".
Giang kể lúc tiễn con lên đường, cô chỉ nói với ông bà ngoại là "con đi công tác đột xuất" chứ không nói rằng mình vào Đà Nẵng chống dịch COVID-19. Một buổi tối, khi bố mẹ cô cùng con trai đang ăn cơm ở quê thì hình ảnh bản tin thời sự phát về trạm labo xét nghiệm COVID-19 dã chiến dầm mình giữa Đà Nẵng để quét mẫu.
Lúc đó cô đang trùm kín bộ đồ bảo hộ trắng toát, chỉ lòi ra đôi mắt xuất hiện trên bản tin nhưng cậu con trai vẫn nhận ra. "Cháu bắt ông bà gọi điện rồi bảo: Mẹ ơi, con thấy mẹ trên tivi. Mẹ đi bắt con Cô-Vít phải không? Nếu mà bắt được con đó thì mẹ về với con nhé. Con rất tự hào về mẹ!" - Giang kể.
Labo xét nghiệm lưu động của Bộ Quốc phòng tác chiến tại Đà Nẵng trong những ngày chống dịch - Ảnh: B.D.
Đã ra trận là “hòa cùng một nhịp”
Trung tá Võ Viết Cường, phó viện trưởng Viện y sinh - Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, cho biết sự xuất hiện của xe labo xét nghiệm của Bộ Quốc phòng trong những ngày chống dịch nóng bỏng tại Đà Nẵng, Quảng Nam là một biểu tượng về sự hiện diện tại điểm nóng nhất của lực lượng quân đội. Để vận hành labo này, các kỹ thuật viên như Giang, Toàn, Hương… phải ngồi suốt hàng chục giờ trong thùng xe, làm việc trong môi trường áp suất âm và nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao.
Thượng tá Nguyễn Kháng - đội trưởng đội y học dự phòng Quân khu 5 - cho biết dù chẳng quen biết nhau từ trước, nhưng khi vào đặt trạm để kết hợp hiệp đồng tác chiến cùng y bác sĩ Quân khu 5, êkip xét nghiệm của Bộ Quốc phòng đã tạo thành một đội ăn ý.
Hằng ngày cán bộ đội y học dự phòng tổ chức xe cứu thương tỏa đi các khu dân cư để quét hầu họng, lấy mẫu bệnh phẩm. Về đến trung tâm, đội xét nghiệm sẽ gom với mẫu từ các cơ sở y tế tại Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển qua rồi đưa vào labo đặt sau xe để đọc kết quả.
Từ công suất chỉ 400 mẫu/ngày trên thùng labo, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ đội y học dự phòng nâng cấp lên 1.000 mẫu/ngày ngay tại doanh trại quân đội, hỗ trợ đắc lực cho việc truy vết dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Cha mẹ mất cũng không về; sinh con đầu lòng, bao nhiêu mong ước cũng không về; lùi cưới... Không quản hi sinh, giữ vững biên giới. Và tôi tin rằng tất cả mọi người dân Việt Nam đều ghi ơn và đều luôn luôn tin tưởng ở anh em.
Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM nói về những người lính tham gia chống dịch COVID-19
Trung tá Võ Viết Cường cùng Phạm Thị Hà Giang, Đặng Việt Hương, Trịnh Văn Toàn nói xác định vào Đà Nẵng là hành quân ra trận. Chừng nào Bộ Quốc phòng có lệnh hoặc khi dịch lùi xa thì anh em mới quay trở về thủ đô.
“Hết dịch anh em sẽ kéo nhau ra bờ biển ăn hải sản, tắm biển Mỹ Khê, đi vào phố cổ Hội An, rồi ghé chợ Cồn mua chả bò, chụp vài tấm ảnh ở cầu Sông Hàn làm kỷ niệm trước khi rời Đà Nẵng. Thời gian trong dịch cứ quần quật trong labo từ sáng tới tối chẳng thể ra khỏi cổng đơn vị được” - trung tá Cường nói.
Một câu chuyện xúc động về sự dấn thân của người lính là trường hợp của trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Minh - kỹ thuật viên xét nghiệm đội y học dự phòng Quân khu 5. Vợ anh Minh không sống với bố mẹ từ nhỏ, người thân duy nhất là bà ngoại. Dịch đến đúng lúc bà ngoại vợ anh Minh hấp hối, dù đơn vị đóng quân cách nhà chưa đầy 3km nhưng anh Minh không thể về để lo tang lễ. Phải 3 ngày sau khi ngoại mất, anh Minh mới tạt qua nhà đúng 30 phút để làm thủ tục quấn khăn tang.
Trước di ảnh ngoại, người lính quân y chỉ kịp thắp nén nhang, tiễn biệt rồi vuốt nước mắt lặng lẽ trở lại đơn vị, tiếp tục vùi mình vào bộ đồ bảo hộ để chống dịch.
TTO - Không chỉ là nơi hồi sinh cho các ca nhiễm COVID-19 rất nặng, một số bệnh viện còn ghi dấu ấn là đơn vị tiên phong thiết lập các đội phản ứng nhanh "lên đường chống dịch bất cứ lúc nào".
Xem thêm: mth.76313800162800202-vt-nert-em-ar-nahn-nav-iart-noc-taot-gnart-oh-oab-murt-em/nv.ertiout