Các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc chùa Kỳ Quang 2 làm xáo trộn các hũ tro cốt, di ảnh của người đã mất hiện đang được dư luận quan tâm. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS-TS Đỗ Văn Đại (ảnh), Trưởng Khoa luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, về vấn đề này.
Một dạng của hợp đồng dịch vụ
. Phóng viên: Thưa PGS, quan hệ giữa người dân và nhà chùa trong việc gửi hũ tro cốt là gì, có được coi là quan hệ hợp đồng dân sự không?
+ PGS-TS Đỗ Văn Đại: Theo Bộ luật Dân sư (BLDS), hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385). Khi gửi tro cốt vào chùa, chắc chắn có sự thỏa thuận của người gửi và nhà chùa, theo đó nhà chùa có trách nhiệm trông coi và có thể người gửi phải trả tiền bằng các hình thức khác nhau. Do đó, quan hệ giữa các bên hoàn toàn có thể được hiểu là một quan hệ hợp đồng dân sự, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự.
. Quan hệ hợp đồng giữa người dân và chùa có phải tuân thủ hình thức theo quy định?
+ Hợp đồng chỉ phải tuân thủ hình thức nhất định khi luật quy định, trong khi hiện nay không có quy định nào yêu cầu hợp đồng giữa nhà chùa và người gửi phải tuân theo hình thức nhất định nào. Do đó, các bên được xác lập tự do về hình thức, tức có thể bằng văn bản hay bằng miệng.
Trường hợp quan hệ gửi giữ bằng miệng thì người gửi có thể gặp khó khăn trong việc chứng minh việc gửi giữ. Lúc này, người gửi có thể chứng minh bằng mọi phương tiện và sổ sách của nhà chùa lưu việc gửi giữ cũng là chứng cứ xác đáng.
. Có thể coi đây là hợp đồng gửi giữ tài sản không? Tro cốt có thể coi là vật đặc định hay không, thưa ông?
+ Theo Điều 884 BLDS, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng. Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Trong loại hợp đồng này, đối tượng được gửi giữ phải là tài sản. Theo Điều 105 BLDS, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Hũ tro cốt chắc chắn không là tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản nhưng cần xem xét nó có là vật hay không.
Trong hũ tro cốt có hai thành phần là hũ và tro cốt. Chiếc hũ là tài sản và tài sản này được mua bán như các tài sản khác trong đời sống dân sự. Nếu ngoài hũ có dán ảnh hay ký hiệu cụ thể để nhận diện thì hũ là vật đặc định. Thành phần thứ hai là tro cốt, rất khó để coi tro cốt là vật theo nghĩa là tài sản nên rất khó để xác định đó là vật đặc định.
. Vậy có mấy loại hợp đồng trong quan hệ giữa người gửi hũ tro cốt và nhà chùa?
+ Đối với chiếc hũ, chúng ta có thể vận dụng quy định về gửi giữ tài sản. Đối với tro cốt, chúng ta có thể coi đây là quan hệ hợp đồng dịch vụ theo Điều 513 BLDS. Theo đó, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trong quy định này, nếu nhà chùa thu phí thì đó là tiền dịch vụ.
Có thể nhà chùa không thu phí chính thức nhưng người dân và nhà chùa có những cách thức khác như người gửi đóng góp vào chùa lợi ích vật chất khi gửi tro cốt thì đó vẫn có thể được coi là tiền dịch vụ.
Như vậy, nhà chùa được coi là bên cung cấp dịch vụ và người gửi hũ tro cốt là người sử dụng dịch vụ của nhà chùa, chịu sự điều chỉnh của các quy định chung của pháp luật dân sự cũng như quy định về hợp đồng dịch vụ.
Thân nhân gửi tro cốt người thân ở chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp đến tìm hiểu thông tin về vụ việc. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Về nguyên tắc, nhà chùa phải bồi thường
. Nhà chùa cho rằng quá trình di dời hũ tro cốt đã khiến bảng tên và hình ảnh rơi rớt, làm lẫn lộn các hũ tro cốt với nhau nên thân nhân không thể nhận ra hũ tro cốt của người thân mình (giám định ADN gần như cũng không xác định được). Như vậy, thiệt hại này nhà chùa có phải bồi thường không?
+ Như tôi đã phân tích, quan hệ giữa nhà chùa và người gửi tro cốt chịu sự điều chỉnh của quy định chung của pháp luật dân sự. Trong quan hệ này, nhà chùa phải thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực (khoản 3 Điều 3 BLDS). Các tình tiết nêu trên cho thấy nhà chùa đã vi phạm nguyên tắc này, nhất là để hình ảnh rơi rớt, làm lẫn lộn các hũ tro cốt.
Với vai trò là người cung cấp dịch vụ, theo khoản 1 Điều 517 BLDS, nhà chùa còn có nghĩa vụ thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác. Hậu quả hiện nay có thể coi là nhà chùa đã vi phạm nghĩa vụ vừa nêu.
Thiện chí của người gửi tro cốt Năm 2016, gia đình tôi bốc mộ và gửi ba hũ tro cốt của ba, mẹ và em tôi vào chùa Kỳ Quang 2. Khi gửi, nhà chùa không thu phí. Gia đình tôi muốn gửi tro cốt vào đây để sau này con cháu đến thăm nom, hương khói. Chúng tôi tính sẽ gửi mãi ở chùa chứ chưa có ý định dời đi. Sự việc làm xáo trộn tro cốt là không ai mong muốn và quá đau lòng. Ban đầu chúng tôi cũng bức xúc lắm nhưng khi bình tâm lại thì chúng tôi nghĩ cần phối hợp với nhà chùa để giải quyết. Nếu nhận dạng được tro cốt của người thân thì tôi cũng mong được tiếp tục gửi tại đây; nếu chẳng may không nhận dạng được thì phải bàn lại với gia đình chấp nhận mang tro cốt (chung) đi thủy táng. Bà NTH, người gửi tro cốt người thân ở chùa Kỳ Quang 2. Nguyễn hiền ghi |
BLDS cũng có hướng giải quyết hệ quả này. Theo Điều 360, nếu có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Vì vậy, nhà chùa phải bồi thường thiệt hại gây ra cho người gửi giữ hũ tro cốt.
Thực ra, các quy định về hợp đồng dịch vụ cũng có quy định theo hướng nêu trên. Cụ thể, theo Điều 517 BLDS, bên cung cấp dịch vụ (nhà chùa) có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao.
. Vậy nếu người dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thì sẽ thế nào, thưa ông?
+ Quan hệ giữa người gửi hũ tro cốt và nhà chùa là quan hệ hợp đồng dịch vụ. Do đó, nếu người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại, tòa án phải thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự và dựa vào các quy định nêu trên để giải quyết. Ở đây, chúng ta cần lưu ý về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần.
Theo Điều 361 BLDS, thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người gửi còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Lúc này, tiền mua hũ đương nhiên là thiệt hại được bồi thường nếu hũ bị mất (không tìm thấy). Ngoài ra, các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng được bồi thường nếu người dân chứng minh được là có chi phí đó.
Thiệt hại về tinh thần cũng được BLDS quy định. Theo yêu cầu của người gửi hũ tro cốt, tòa án có thể buộc nhà chùa có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần. Mức bồi thường do tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
. Người gửi hũ tro cốt có quyền dừng quan hệ với nhà chùa để mang hũ tro cốt về nhà hay nơi khác thờ cúng không?
+ Tôi nhắc lại quan hệ giữa các bên là quan hệ hợp đồng dịch vụ và ứng xử của phía nhà chùa như chúng ta thấy có thể được coi là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Trong trường hợp này, Điều 428 BLDS cho phép người gửi được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Cạnh đó, trong phần về hợp đồng dịch vụ, BLDS cũng có quy định cho phép người gửi hũ tro cốt dừng dịch vụ của nhà chùa khi việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ (Điều 520).
. Xin cám ơn ông.
Diễn biến vụ việc Ngày 1-9, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã mất để bừa bộn, chất đống tại chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM). Hai ngày sau, trụ trì chùa - thượng tọa Thích Thiện Chiếu tổ chức cuộc họp với những người gửi tro cốt; nhiều người bức xúc đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Sáng 5-9, Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã họp bất thường và quyết định tạm ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đối với thượng tọa Thích Thiện Chiếu, đồng thời cử thượng tọa Thích Quang Thạnh thay thế. Chiều cùng ngày, vị trụ trì mới tổ chức cuộc họp với những người gửi tro cốt và đưa ra ba phương án giải quyết. Thứ nhất, với những tro cốt xác định danh tín nếu thân nhân có nguyện vọng gửi lại thì nhà chùa bố trí nơi để khang trang, nếu không muốn thì nhà chùa sẽ giới thiệu chùa Vĩnh Nghiêm để thân nhân gửi vào. Thứ hai, nếu các thân nhân đồng ý thì chùa sẽ để tro cốt (đã lẫn lộn) chung làm một tượng đài, ghi đầy đủ tên tuổi của người mất lên và thờ cúng trang nghiêm tại chùa. Thứ ba, thân nhân nào đồng ý với phương án thủy táng theo nghi thức Phật giáo, chùa sẽ tổ chức lễ cầu siêu và rải tro cốt xuống dòng nước… |