Đại dịch COVID-19 khiến thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch sụt giảm. Tuy nhiên qua 2 lần dịch bùng phát, giá bất động sản thậm chí còn tăng, chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Điều này thể hiện qua hàng loạt các báo cáo được công bố. Nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản cũng lên tiếng khẳng định, không hề giảm giá hay phá giá trong thời kỳ vừa qua.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, giá bất động sản, đặc biệt phân khúc nhà ở đang quá cao và đang đợi giá điều chỉnh giống như thời kỳ năm 2008. Một câu hỏi đặt ra, liệu có nên mua bất động sản bây giờ hay chờ để mua?
Để trả lời câu hỏi này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng phải nhìn lại thị trường thời điểm năm 2007 - 2008, bong bóng bất động sản xảy ra ở thị trường thứ cấp. Giá bán được đẩy lên nhiều ở thị trường thứ cấp và nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Còn hiện tại, theo ông Kiệt, mức giá được quyết định bởi thị trường sơ cấp, các chủ đầu tư làm ra sản phẩm để bán.
Quay lại với câu chuyện có nên đợi thị trường lao dốc để có thể mua vào với giá tốt, tại tọa đàm "Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?" do CafeLand tổ chức mới đây, ông Kiệt cho rằng, ít nhất là trong vòng 6 -12 tháng tới khó xảy ra. Trên thị trường sơ cấp, giá bán có thể điều chỉnh đi ngang hoặc tăng nhẹ do các chủ đầu tư có áp lực buộc phải bán hàng nhanh.
Còn đối với thị trường thứ cấp, vị chuyên gia nhận định, cũng sẽ có xu hướng bán tháo đối với các nhà đầu tư lướt sóng nhưng tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số dự án và khu vực nhất định nhưng không nhiều.
Qua 2 lần dịch bùng phát, giá bất động sản tăng, chưa có dấu hiệu sụt giảm. (Ảnh minh họa)
Theo quan điểm của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, với nhà đầu tư cá nhân, họ luôn luôn có cơ hội. Với những nhà đầu tư trung hạn trong khoảng thời gian 3 - 5 năm, họ sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những nhà đầu tư lướt sóng, họ lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên.
Ông Hiển cho biết, với doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn chính nằm ở quỹ đất và ra dự án mới. Chẳng hạn, quỹ đất của TP.HCM trước đây nhiều doanh nghiệp đã mua từ nhiều năm trước nên giá nhà tương đối. Nhưng hiện nay, để săn quỹ đất sạch là cực kỳ khó khăn và giá đất quá cao nên khi ra dự án giá bán phải rất cao. Do đó, những doanh nghiệp phải có năng lực thật sự để làm gia tăng giá trị của dự án để người mua có thể chấp nhận với mức giá họ đưa ra.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên liệu giá bất động sản nhà ở có giảm từ giờ đến cuối năm hay sẽ vẫn tăng bất chấp đại dịch, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội, cho biết: "Đầu tư bất động sản luôn mang tính dài hạn. Quỹ đất đô thị có hạn. Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn về dài hạn luôn gia tăng. Giá bất động sản trên thị trường thứ cấp tại các đô thị này được đánh giá là sẽ ổn định".
"Tại thị trường sơ cấp (người mua có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư), tốc độ bán hàng chậm hơn trước đây; thời gian xây dựng có thể bị ảnh hưởng do COVID-19; sự không chắc chắn về diễn biến của dịch này; kỳ vọng gia tăng của khách hàng về chất lượng, tiện ích dự án cùng một số nguyên nhân khách quan khác hiện nay khiến chi phí vốn có thể tăng lên là cơ sở cho thấy giá nhà ở trên thị trường sơ cấp này khó có thể giảm so với mặt bằng chung trừ khi có những cải thiện mạnh mẽ khác trong thời gian sắp tới", bà Hằng nhận định.
VTV.vn - Mặt bằng giá bất động sản tại cả Hà Nội và TP.HCM đều có xu hướng tăng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.20805645180900202-yan-cul-nas-gnod-tab-aum-nen-oc-ohk-pag-co-aid-gnourt-iht/et-hnik/nv.vtv