Trở lại Khánh Hòa sau 10 năm, tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn chọn thay đổi diện mạo Vân Phong bằng quy hoạch nơi đây thành một trung tâm kinh tế biển trọng điểm, hiện đại tầm khu vực.
Chiều 9.9, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) tổ chức ký kết chính thức Biên bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển Khu Kinh tế Vân Phong (KKT).
Theo biên bản ghi nhớ được ký kết 2 bên, UBND tỉnh đồng ý đề xuất của IPPG về việc tài trợ 5 triệu USD chi phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển KKT Vân Phong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Đồng thời, lập và thẩm định phê duyệt nhiệm vụ, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong; tham gia cùng với các cơ quan xây dựng đề án xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu vực này. IPPG cũng sẽ hỗ trợ Khánh Hòa trong quá trình thu hút các nhà đầu tư vào KKT Vân Phong trong giai đoạn mới.
Tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: "Ngày này 35 năm trước tôi nhận nhiệm vụ mở đường bay quốc tế đến Manila, khởi đầu đưa Việt Nam mở cửa. Và sau 35 năm tôi chọn ngày hôm nay để toàn tâm toàn lực mở ra con đường bằng quy hoạch và phát triển Vân Phong thành khu kinh tế biển trọng điểm của khu vực.
Sau lễ ký kết, chúng tôi bắt tay thực hiện quy hoạch dự kiến 2021 sẽ hoàn thành và tặng sản phẩm này cho Khánh Hòa để tỉnh đưa ra đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để đưa KKT Vân Phong cất cánh".
Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, KKT Vân Phong đã được quy hoạch nhưng không còn phù hợp.
Chính phủ vừa cho xây dựng quy hoạch tổng thể vì vậy IPPG chọn đang quy hoạch Nam Phú Yên và Vân Phong để kết hợp kinh tế vùng. Liên vùng sẽ giúp ông lớn kéo ông nhỏ lên. Hiện nay Phú Yên- Vân Phong cảnh quan quá đẹp nhưng thực sự một cô gái đẹp ngủ trong rừng thì chàng trai ít muốn đến.
Vân Phong phải là mảnh đất các nhà đầu tư cần gì có đó, phải có những điều kiện hấp dẫn thì sẽ thu hút được đầu tư.
Được thành lập năm 2006, KKT Vân Phong có tổng diện tích 150.000 ha, năm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Với 70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước KKT Vân Phong có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT.
Năm 2005, quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 51/2005/QĐ-TTg với tính chất là khu kinh tế tổng hợp.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2030 với tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong đó cảng trung chuyển Container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác; Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, "từ khi thành lập đến nay KKT Vân Phong đã thu hút 158 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký tương đương 4,1 tỷ USD. Trong đó, 91 dự án đã đi và hoạt động, tạo việc làm cho hơn 6.200 lao động. Mặc dù đặt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên thời gian qua quá trình xây dựng phát triển KKT Vân Phong gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chưa phát huy được tiềm năng lợi thế và kỳ vọng như mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ xác định.
Hiện làn sóng đầu tư đang dịch chuyển và để đón đầu làn sóng này KKT Vân Phong cần có một quy hoạch mới, hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính sách thông thoáng...Và mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045. Với sự tham gia của IPPG và các nhà đầu tư sẽ là bước khởi đầu để xây dựng một tầm nhìn mới cho Vân Phong".