'Tắc' tiền sử dụng đất, hàng chục ngàn sổ hồng bị treo
V. Dũng
(TBKTSG Online) - Tình trạng chủ đầu tư chậm trễ trong việc cấp sổ hồng cho cư dân là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho xung đột ở các chung cư ngày một leo thang. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cấp sổ hổng chậm trễ bởi vì họ không hoàn thiện được nghĩa vụ tài chính cho dự án, khi mà việc tính tiền sử dụng đất bị đang bị “tắc”.
Hàng chục ngàn căn hộ chưa có sổ hồng vì tắc tiền sử dụng đất. Ảnh minh họa: V. Dũng |
Tại buổi hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" tổ chức vào ngày 10-9 tại TPHCM, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TPHCM đều than thở vì câu chuyện họ tha thiết đóng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận chủ quyền cho khách hàng nhưng chờ bao nhiêu năm qua vẫn không thể tiến hành.
Có dự án 20 năm vẫn chưa nộp được tiền sử dụng đất
Hiện nay ở TPHCM có hàng chục ngàn hộ dân bị "treo" sổ hồng, ngân sách thất thu, chủ đầu tư bất đắc dĩ "bội tín" với khách hàng vì không thể đóng tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ... Trong khi cơ quan thuế nhiều địa phương liên tục "bêu tên" các doanh nghiệp nợ thuế thì tại TPHCM và một số tỉnh thành khác, doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất lại không hề đơn giản.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ở thành phố có 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng phần lớn liên quan đến tiền sử dụng đất. Thậm chí có dự án lâu nhất là hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất. Trong 4 năm trở lại đây, thành phố đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa thể cải thiện.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết doanh nghiệp này hiện đang thực hiện hơn 40 dự án nhà ở tại TPHCM. Trong quá trình phát triển, Tập đoàn gặp nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật liên quan quản lý đất đai, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Việc này gây tâm lý hoang mang cho cư dân, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng môi trường đầu tư bất động sản tại thành phố.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết công ty có 13 dự án, tương đương 8.791 căn hộ chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường cấp sổ hồng vì hầu hết bị vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Đáng nói, nếu với các dự án bất động sản thực hiện ngoài TPHCM, trung bình chỉ mất 3 - 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại TPHCM kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng.
“Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được, thậm chí nếu nộp trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5-7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất”, ông Dũng cho hay.
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM mới công bố, trong 6 tháng năm nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỉ đồng, chỉ đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu tiền sử dụng đất giảm 21%. Vẫn biết là năm nay, các nguồn thu đều gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19; Thành phố cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn thuế, giảm thuế... cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong thời gian 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước của thành phố bị sụt giảm mạnh, trong khi chi ngân sách địa phương lại tăng cao. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn doanh nghiệp thời gian qua.
Có điểm chung là hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên môi trường hiện nay xin được cấp sổ hồng đều được giải quyết rất chậm. Hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và cũng là quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bởi khi có sổ hồng thì doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Trong 5 năm chỉ thu được 3% tiền sử dụng đất
Sau nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của các doanh nghiệp, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thừa nhận, so với thực tế, việc giải quyết các vướng mắc vẫn rất chậm. Trong 5 năm qua, thành phố chỉ thu được thu 3 - 5% tiền sử dụng đất tại các dự án. Hiện còn hơn 100 hồ sơ của doanh nghiệp chưa được giải quyết. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã tính giá đất được cho 38 dự án, sắp tới sẽ trình UBND TPHCM thông qua thêm 49 dự án.
Ông Trần Văn Thạch nhận định quy trình tính giá sử dụng đất không khó, chủ yếu vướng về mặt kỹ thuật, pháp lý.
Đơn cử, một dự án thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục một cách bài bản thì việc cấp giấy không vướng. Tuy nhiên, đối với các dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, trong quá trình triển khai có rất nhiều luật, quy định thay đổi, điều chỉnh nên vướng nhiều pháp lý. Khó khăn đôi khi từ cấp trung ương nên cơ quan địa phương khi vận dụng luật để trển khai trong thực tế cũng gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm tra, kiểm toán qua từng thời kỳ có nhiều trường hợp tham mưu không chuẩn, dẫn đến sai phạm nên thực tế đang có sự trùng lặp, thận trọng, chậm hơn. Hiện chưa có bộ nguyên tắc tiêu chí kiểm tra, thẩm định giá đất; việc thu thập thông tin, phương pháp định giá cũng còn nhiều bất cập...
Về phía doanh nghiệp, có nhiều dự án trong quá trình xây dựng có nhiều thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, cấu trúc nhưng không xin điều chỉnh lại nên khi hoàn thành cần thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Lúc này, nhiều quy định đã thay đổi, phát sinh dẫn đến quá trình cấp phép còn gặp nhiều khó khăn.
"Không phải cơ quan chức năng làm khó mà đi sâu vào từng dự án có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn về pháp lý. Phải xét từng dự án và nương theo các bộ luật điều chỉnh theo từng dự án. Nói chung, về mặt pháp lý còn rất nhiều vướng mắc mà đơn vị tham mưu như Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rất khó giải quyết. Sở đang tập hợp, phân loại các dự án vướng mắc, báo cáo UBND TPHCM để kiến nghị lên các Bộ có những cơ chế gỡ vướng cho doanh nghiệp, cho người dân", ông Trần Văn Thạch cho hay.
Xem thêm: lmth.oert-ib-gnoh-os-nagn-cuhc-gnah-tad-gnud-us-neit-cat/170803/nv.semitnogiaseht.coaid