Thanh Hằng trong các trang phục của vai thái hậu Dương Vân Nga - Ảnh: CJ HK
Chiều 10-9, nhà phát hành phim Quỳnh hoa nhất dạ công bố hình ảnh hậu trường của diễn viên Thanh Hằng trong vai thái hậu Dương Vân Nga. Đây là hình ảnh Dương Vân Nga khi là Đại Thắng Minh hoàng hậu.
Theo nhà phát hành, trang phục mà Thanh Hằng mặc trong bộ ảnh là bộ phượng bào gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn nhỏ và 2 lớp váy do nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện. Trong phim, phượng bào sẽ được nhân vật Dương Vân Nga mặc vào ngày cưới và cũng là ngày lên ngôi hoàng hậu.
Sau đó, trên trang Facebook Thiên Nam lịch đại hậu phi có bài đăng cho rằng bộ trang phục của nhân vật Dương Vân Nga "quá xa lạ so với người Việt" và "mang ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên trang phục của một nhân vật sống vào thế kỷ thứ 10", đặc biệt là ở dáng áo và nút áo.
Bản vẽ thiết kế phượng bào cho nhân vật Dương Vân Nga của nhà thiết kế Thủy Nguyễn - Ảnh: CJ HK
Phim Quỳnh hoa nhất dạ thuộc thể loại dã sử, fantasy (tưởng tượng) nên về tạo hình, trang phục có thể có những cải biên nhất định. Tuy nhiên, theo nhóm phản đối, "sáng tạo nhưng không nghiên cứu, không dựa trên nền tảng gốc liệu có gây nguy hiểm đến nhận thức của công chúng vốn còn non nớt về cổ phục Việt?".
Phản hồi với nhận định "trang phục của thái hậu mang ảnh hưởng Mãn Thanh", nhà thiết kế Thủy Nguyễn (giám đốc sáng tạo của bộ phim Quỳnh hoa nhất dạ) nói với Tuổi Trẻ Online: "Khi thiết kế, chúng tôi đã nghiên cứu và tham khảo nhiều trang phục cổ của Việt Nam và các nước lân cận. Mỗi món đồ, chi tiết trong bộ trang phục đều được tính toán kỹ lưỡng và đều có ý đồ của nhà thiết kế".
Riêng về nút áo - chi tiết nhận nhiều tranh cãi, Thủy Nguyễn thừa nhận nút áo được làm theo hơi hướng của các thời đại về sau.
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn và bản hoàn chỉnh của bộ phượng bào - Ảnh: CJ HK
"Chúng tôi đã có thể thiết kế nút áo không 'mang âm hưởng Mãn Thanh' nhưng rồi chọn kiểu nút áo này vì nó hài hòa với trang phục. Nút áo là yếu tố trang trí, là chi tiết nhỏ nhưng làm cho bố cục trang phục không lỏng lẻo. Nếu chúng tôi dùng một sợi dây thắt nút giản dị thì chắc chắn không có được sự trang trọng cần có của trang phục hoàng hậu", nhà thiết kế nói.
Về dáng áo rộng, theo Thủy Nguyễn, chiếc áo cần có độ phủ và xòe rộng để tạo ra sự uy nghi của một vị hoàng hậu và tạo sự thoải mái cả khi người mặc ngồi xuống.
Có luồng ý kiến cho rằng nhà sản xuất đã đưa nhân vật lịch sử có thật (thái hậu Dương Vân Nga) vào phim thì nhiều chi tiết khác cũng phải bám sát lịch sử, chẳng hạn trang phục phải tham khảo sử liệu về các triều đại liên quan.
Nhà sản xuất cho biết sử liệu thời Đinh - Lê khó tìm nên phải sáng tạo nhiều về trang phục và bối cảnh - Ảnh: CJ HK
Về điều này, nhà sản xuất Live On nói với Tuổi Trẻ Online: "Từ lúc viết kịch bản, chúng tôi đã có một thời gian dài nghiên cứu các tư liệu lịch sử, nghe tư vấn của một số nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa của thời kỳ này. Rất tiếc, hầu như không có một tư liệu nào về thời kỳ này còn tồn tại.
Vì vậy, chúng tôi quyết định làm phim dã sử và sẽ phải sáng tạo rất nhiều về trang phục và thiết kế mỹ thuật. Trang phục hay thiết kế bối cảnh không chỉ cần hợp lý về lịch sử, mà còn phải tạo ra được không khí uy nghi của triều đình, thể hiện được tính cách, tâm tư của nhân vật và giúp nhà làm phim kể được câu chuyện mà họ muốn kể".
TTO - Trong đêm công diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga tại nhà hát Bến Thành, TP.HCM tối 6-5, nhiều tràng pháo tay vang lên sau mỗi lời thoại hay, đề cao tinh thần độc lập tự chủ, nối dài tình yêu đất nước.
Xem thêm: mth.65874907101900202-hnaht-nam-ueirt-od-gnoig-gnoig-agn-nav-gnoud-uah-iaht-cuhp-gnart/nv.ertiout