vĐồng tin tức tài chính 365

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc thu hẹp, vì đâu?

2020-09-11 10:42

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc thu hẹp, vì đâu?

Triêu Dương

(TBKTSG) - Kết quả giảm nhập siêu từ Trung Quốc đã phần nào đóng góp vào con số thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay, lên mức 11,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng xuất khẩu dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vẫn giữ được mức tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm đến 2,2%.

Giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong sáu đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay, Trung Quốc là một trong hai thị trường xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tám tháng đầu năm nay, với mức tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt kim ngạch 27 tỉ đô la Mỹ, chỉ xếp sau Mỹ với mức tăng 19% và kim ngạch đạt 46,7 tỉ đô la. Bốn thị trường còn lại là EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sụt giảm từ 1,5% đến 13,6%.

Đây là kết quả rất đáng chú ý nếu so với giai đoạn trước đây. Cụ thể trong tám tháng cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 2,5%, là một trong hai thị trường ghi nhận sự sụt giảm (thị trường còn lại là EU chỉ giảm 0,5%).

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 49,3 tỉ đô la trong tám tháng đầu năm nay, tuy nhiên so với cùng kỳ chỉ tăng nhẹ 0,7%. Đáng lưu ý là kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc mới ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại kể từ tháng 8 vừa qua, còn bảy tháng trước đó luôn duy trì xu hướng giảm sút so với cùng kỳ. Nhờ đó giúp thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thu hẹp đáng kể, với nhập siêu từ Trung Quốc tám tháng đầu năm giảm 11,1% so cùng kỳ, chỉ còn 22,3 tỉ đô la.

Dịch bệnh, thiên tai và các FTA

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc có lẽ là nguyên nhân đầu tiên tác động đến cán cân thương mại của Việt Nam và Trung Quốc trong tám tháng qua. Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lên các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến hoạt động xuất khẩu lao dốc, ngược lại nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu gia tăng mạnh.

Cụ thể tại thời điểm cuối quí 1, giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh tại Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam giảm sâu đến 18% so cùng kỳ.

Trong khi đó, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng gần đây thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại nước này, tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trên, nhất là để tận dụng giá quốc tế đang tăng mạnh, đơn cử như sản phẩm gạo. Cập nhật gần nhất cho thấy giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng đến 84%, đạt 493.100 tấn và 293,4 triệu đô la.

Dịch bệnh cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng khi thế giới nhận ra đã phụ thuộc quá nhiều vào “đại công xưởng” Trung Quốc. Do đó, hòa theo xu hướng toàn cầu, có lẽ nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đối tác kinh doanh, nhằm thoát dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Lý do thứ hai, với những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tăng cường nhập khẩu từ các thị trường mới này để đa dạng hóa đầu vào, cũng như tận dụng các ưu đãi về thuế đang trong lộ trình giảm dần.

Thống kê cho thấy xuất siêu sang EU tám tháng qua đạt 13,4 tỉ đô la, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó do nhập khẩu tăng 4,7% - mức tăng cao nhất trong số sáu đối tác thương mại lớn; nhập siêu từ ASEAN cũng tăng 9,8% lên 4,4 tỉ đô la khi nhiều dòng thuế tiếp tục được dỡ bỏ theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Chiến tranh thương mại và tiền tệ

Lý do thứ ba là vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong hơn hai năm qua, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đã và đang rút dần các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, chuyển sang các nước khác. Đặc thù của những tập đoàn này là tìm những thị trường có chi phí nhân công rẻ, từ đó sản xuất hàng hóa để luân chuyển khắp thị trường toàn cầu. Vì vậy, khi những tập đoàn này chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, việc ảnh hưởng lên giá trị xuất khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu.

Theo lẽ đó, những sản phẩm nào từ trước đến nay Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc, nhưng nay các doanh nghiệp đó đã chuyển sang một quốc gia khác, Việt Nam cũng sẽ chuyển sang nhập khẩu những sản phẩm này từ quốc gia đó; hoặc không cần nhập khẩu nếu doanh nghiệp đó đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, thông tin cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 19,5 tỉ đô la, tăng 17,4%, trong đó riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 127,9%. Không loại trừ khả năng việc Mỹ cấm vận các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như ZTE và Huawei, hạn chế nguồn cung cấp chip, ngừng hợp tác, cung cấp các hệ điều hành như Android, đã khiến hoạt động sản xuất điện thoại của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, cộng thêm phản ứng trả đũa của người dân Trung Quốc tẩy chay iPhone, đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng điện thoại và linh kiện từ Việt Nam, với sản phẩm của Samsung là một lựa chọn thay thế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng làm tăng nguy cơ các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách gian lận thương mại, theo đó lựa chọn Việt Nam làm nơi trung gian để xuất hàng vào Mỹ nhằm tránh hàng rào thuế quan. Những thương vụ bị phát hiện thời gian qua đã thật sự gây lo ngại, do đó Việt Nam đã phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại mà có thể khiến Mỹ trừng phạt “lây”. Do đó, lượng hàng nhập từ Trung Quốc để tránh xuất xứ thương mại có lẽ đã phần nào phải dè chừng so với giai đoạn trước.

Nguyên nhân cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là việc tiền đồng giảm giá đáng kể so với nhân dân tệ cũng góp phần giúp hoạt động thương mại của Việt Nam cạnh tranh hơn. Cụ thể, trong bối cảnh đô la Mỹ suy yếu trên toàn cầu, nhân dân tệ đã tăng giá hơn 5% so với đô la Mỹ từ cuối tháng 5 đến nay, trong khi tiền đồng vẫn cố gắng duy trì sự ổn định so với đô la Mỹ. Do đó, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ hơn 4,2% so với nhân dân tệ trong cùng khoảng thời gian.

Vẫn có những lo ngại

Kết quả giảm nhập siêu từ Trung Quốc đã phần nào đóng góp vào con số thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay, lên mức 11,9 tỉ đô la, trong đó riêng xuất khẩu dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vẫn giữ được mức tăng trưởng 1,6% so cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm đến 2,2%.

Tuy nhiên, vẫn có một số điều cần phải soi xét. Thứ nhất là với xu hướng chỉ số sản xuất công nghiệp hay quản trị nhà mua hàng (PMI) giảm sút thời gian qua, phản ánh các điều kiện trong nền kinh tế bị thu hẹp, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương, đặc biệt tăng mạnh vào các thị trường lớn như Mỹ hay Trung Quốc, có lẽ khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Thứ hai là sự tăng trưởng bất ngờ ở các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là ở các mặt hàng vốn không phải là thế mạnh từ trước đến nay, như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Cụ thể, trái với xu hướng những năm trước đây, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tám tháng đầu năm nay giảm 4,5% so với cùng kỳ, thì khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,8 tỉ đô la, tăng 15,3%

Diễn biến này đặt ra nghi vấn liệu có tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài ẩn mình dưới mác doanh nghiệp nội để xuất khẩu hàng hóa, nhằm lấy xuất xứ thương mại để được hưởng ưu đãi thuế. Nếu thâm hụt giảm với Trung Quốc là vì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển dịch vào Việt Nam, núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, đó quả là điều đáng lo ngại.

Đáng chú ý là mới đây Mỹ lại đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ, một trong những cơ sở là vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh và vượt ngưỡng theo tiêu chí đề ra. Liệu trong số này có bao nhiêu giá trị hàng hóa đến từ các quốc gia khác để lách thuế? Và nếu cáo buộc trên nhằm mở đường cho chính sách tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam, có lẽ việc bị “vạ lây thương chiến” là điều khó tránh khỏi.

Xem thêm: lmth.uad-iv-peh-uht-couq-gnurt-iov-iam-gnouht-tuh-maht/489703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thâm hụt thương mại với Trung Quốc thu hẹp, vì đâu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools