vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường bảo hiểm chuyển mình với dịch vụ phụ trợ?

2020-09-11 10:43

Thị trường bảo hiểm chuyển mình với dịch vụ phụ trợ?

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Thị trường bảo hiểm Việt Nam gần đây có một bước tiến rất quan trọng, nhưng có lẽ ít người để ý đến. Các văn bản quy phạm pháp luật mới như luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 80 của Chính phủ và Thông tư 65 của Bộ Tài chính, được ban hành năm 2019, lần đầu tiên quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, một cấu phần quan trọng của thị trường bảo hiểm hoàn chỉnh.

hị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019, nhưng có thể quí 1 năm nay, tình hình trở nên phức tạp hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh minh họa: TTXVN

 

Những quy định mới này không chỉ giúp hoàn thiện về cấu trúc hệ thống phân phối dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ phụ trợ, mà còn là xúc tác quan trọng để phát triển thị trường, như bảo vệ và tăng quyền lợi của khách hàng, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động hiệu quả hơn.

Trong số các dịch vụ phụ trợ, dịch vụ có ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là tư vấn bảo hiểm, vì nó có thể định dạng lại thị trường thông qua việc tác động đến khách hàng, DNBH và quan trọng không kém là hệ thống phân phối dịch vụ bảo hiểm hiện tại.

Khách hàng được lợi gì?

Nếu như trước kia, khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm trực tiếp từ DNBH hay qua trung gian là đại lý, môi giới của DNBH thì với quy định mới, bên mua bảo hiểm có thêm sự lựa chọn với các cá nhân làm trung gian cho nhiều DNBH.

Về nguyên tắc, một cá nhân làm trung gian cùng lúc cho nhiều DNBH có thể dưới hình thức đại lý (đại diện cho DNBH) hay môi giới cá nhân (đại diện cho khách hàng).

Lâu nay, đại lý bảo hiểm cá nhân ở Việt Nam chỉ được đại diện cho một DNBH duy nhất, hay còn gọi là đại lý độc quyền. Quy định mới mở ra khả năng một cá nhân có thể tư vấn bảo hiểm độc lập dưới dạng đại lý độc lập, nghĩa là đại diện cùng lúc cho nhiều DNBH, hay dưới dạng môi giới đại diện cho khách hàng để lựa chọn DNBH phù hợp nhất trong số các DNBH trên thị trường. Tuy vậy, câu chữ trong các văn bản pháp lý vẫn chưa đề cập cụ thể đến đại lý độc lập và môi giới cá nhân.

Thông qua tư vấn bảo hiểm độc lập là đại lý cá nhân độc lập hay môi giới cá nhân, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, và quan trọng hơn hết là không bị tác động chủ quan của trung gian là đại diện cho doanh nghiệp, ở đây là đại lý độc quyền. Thêm vào đó, khách hàng còn có thể so sánh về điều khoản, mức phí giữa các kênh phân phối khác nhau. Chẳng hạn, không chỉ so sánh giữa các đại lý mà khách hàng còn có thể so sánh giữa các tư vấn độc lập với nhau để dựa vào đó ra quyết định của mình.

Thay đổi lớn đối với hệ thống đại lý bảo hiểm cá nhân

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay có khoảng 900.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ và 100.000 đại lý bảo hiểm phi nhân thọ nhưng tất cả đều là đại lý cá nhân độc quyền. Trong khi đó ở các nước có thị trường bảo hiểm phát triển, cá nhân làm trung gian bảo hiểm tùy theo đặc điểm và nhu cầu của mình có thể lựa chọn là đại lý cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (đại lý độc lập) hay đại lý cho một doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất (đại lý độc quyền), hay môi giới cá nhân. Điều này là cần thiết trong việc tạo ra nhiều sự lựa chọn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh cho cả khách hàng lẫn người làm trung gian bảo hiểm.

Quy định mới về tư vấn bảo hiểm trong dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được hiểu là hoạt động tư vấn bảo hiểm độc lập, dường như mở thêm cánh cửa cho các cá nhân làm trung gian bảo hiểm lựa chọn. Tuy vậy, hai hình thức trung gian phổ biến nhất là đại lý độc lập và môi giới cá nhân vẫn chưa được đề cập đến trong các văn bản nói trên.

Có nhiều đại lý bảo hiểm cá nhân hiện nay đang rất hào hứng với việc trở thành tư vấn bảo hiểm độc lập, nhưng có hai thách thức với họ hiện nay: với hầu hết các loại hình bảo hiểm phổ biến, làm sao có nhiều khách hàng chịu trả thêm phí tư vấn ngoài phí bảo hiểm sẽ đóng? Tiếp đến, trong khi chưa có quy định về đại lý độc lập và môi giới các nhân thì các doanh nghiệp bảo hiểm có chịu linh hoạt trong việc xây dựng chính sách phân phối mới?

Các DNBH thay đổi chính sách kênh phân phối

Khi thị trường có thêm kênh phân phối là tư vấn độc lập, đòi hỏi các DNBH phải thiết kế lại các chính sách liên quan đến chi phí bán hàng để dung hòa các kênh phân phối cũ và mới của mình. Bởi vì, trong hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm, người tư vấn độc lập có thể thiên vị cho một số doanh nghiệp nào đó? Hay các DNBH sẽ chủ động tác động đến tư vấn độc lập để mình được ưu tiên?

Có doanh nghiệp sẽ ưu tiên kênh đại lý hơn môi giới, nhưng cũng có doanh nghiệp thay đổi chính sách theo từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn cùng một sản phẩm bảo hiểm có các điều khoản tương tự, nhưng mức phí khách hàng phải trả qua đại lý hay môi giới có thể là không giống nhau. Thông thường, biểu phí qua môi giới sẽ thấp hơn vì một phần phí trả cho môi giới là trực tiếp từ khách hàng. Nhưng trong thực tế, khả năng môi giới nhận thêm lợi ích từ DNBH, dù là đại diện cho khách hàng, cũng có thể xảy ra.

Một số nút thắt cần gỡ

Quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong đó có tư vấn bảo hiểm độc lập, hy vọng sẽ trở thành cú hích mạnh giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam chuyển mình. Khách hàng sẽ có thêm nhiều sự so sánh để lựa chọn hơn, nhất là khi trung gian là người đại diện cho quyền lợi của mình.

Đối với các tư vấn cá nhân hiện nay, họ có thêm khả năng chuyển sang làm trung gian cho nhiều DNBH cùng lúc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đặc thù của từng loại bảo hiểm là khác nhau, khả năng làm tư vấn độc lập để được khách hàng trả phí tư vấn trực tiếp trong các loại hình bảo hiểm phổ biến là rất thấp. Trường hợp khách hàng trả phí để được tư vấn độc lập chỉ rơi vào các hợp đồng có số tiền bảo hiểm rất lớn hay các trường hợp cá biệt.

Muốn tư vấn bảo hiểm độc lập phát triển, trước hết cần Cục Quản lý giám sát bảo hiểm quy định cụ thể hình thức đại lý cá nhân độc lập và môi giới cá nhân. Nếu chỉ dừng lại ở dịch vụ tư vấn bảo hiểm như hiện nay là khá hẹp và chưa rõ ràng, thì các DNBH vẫn có thể tìm cách lách để có cơ chế như đang làm với các đại lý là tổ chức, hay các công ty môi giới.

Việc ghi nhận dịch vụ tư vấn bảo hiểm trong các dịch vụ phụ trợ là một bước tiến rất lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Có thể đây là một bước quá độ để ghi nhận kênh phân phối đại lý cá nhân độc lập và môi giới cá nhân trong thời gian tới. Nhu cầu của khách hàng thì luôn muốn có sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất với mình qua sự lựa chọn đa dạng. Những DNBH nào nhạy bén và quan tâm đến hai kênh phân phối mới này, chắc chắn sẽ có những kế hoạch và hành động phù hợp.

(*) Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

 

Xem thêm: lmth.ort-uhp-uv-hcid-iov-hnim-neyuhc-meih-oab-gnourt-iht/299703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường bảo hiểm chuyển mình với dịch vụ phụ trợ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools