Làm shipper không phải dễ dàng - Ảnh: M.L.
Giới shipper (giao hàng) thường ta thán có những nỗi buồn mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Để kiếm được những khoản tiền công, họ đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu bao nỗi ê chề. Sau thời gian là "người trong cuộc", trải nghiệm cái nghề này, tôi biết, những ta thán ấy là sự thật.
Muốn đơn hàng nhiều, phải có chiêu
Để trở thành đối tác giao thức ăn cho một ứng dụng (app) gọi đồ ăn, tôi phải trải qua "hằng hà sa số" thủ tục đăng ký, tham gia lớp đào tạo, cũng như vượt qua bài kiểm tra... Gần hai tháng đợi chờ, may mắn là tài khoản được kích hoạt, tôi được những đơn giao hàng đầu tiên.
Khi "dạm ngõ" công việc này, tôi đã "học lỏm" được không ít cách để có khách, tức là để app "nổ" cuốc liên tục, báo có đơn hàng. Dù cho app phát đơn ngẫu nhiên cho tất cả đối tác tài xế, nhưng nếu có chiêu thì sẽ có đơn hàng nhiều.
Thanh Đức (24 tuổi, ở Q.6, TP.HCM) bày: "Cứ đến các đường tập trung nhiều quán ăn thì sẽ dễ "có cuốc" hơn, vì chắc chắn lượng khách hàng đặt sẽ cao. Đứng ở những con đường vắng bóng quán xá thì có khi... ế chỏng chơ, cả ngày cũng chẳng có đơn hàng nào".
Một "đồng nghiệp" khác, Lê Anh (31 tuổi, ở Q.Tân Phú), hiến kế: "Nên nhạy bén trong việc hiểu nhu cầu ăn uống của khách hàng. Buổi sáng, mọi người thường điểm tâm bằng cơm tấm, phở, bún, nên đến đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) vì có nhiều quán chuyên bán những món đó. Còn buổi trưa hay chiều, thì mọi người có xu hướng uống trà sữa, cà phê..., cứ qua đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (Q.3)".
Cũng theo các đàn anh trong "làng", shipper cần phải biết địa chỉ các thương hiệu về ăn uống nổi tiếng ở TP.HCM, những điểm ăn vặt thường được mọi người kháo nhau trên mạng… Những nơi ấy hút khách, tỉ lệ có đơn hàng chắc chắn cao hơn.
Tôi cũng thuộc làu làu hướng dẫn của Minh Hiếu (27 tuổi, ở Q.8), là: "Cần tuyệt đối chính xác việc mua đúng món cho khách hàng. Biết cách quản lý món ăn, thức uống cho khách tốt nhất. Có thái độ nhã nhặn với khách. Khi đó, sẽ được chấm sao cao, và có thể được ưu tiên trong việc nhận nhiều đơn hàng sau này".
Một shipper trên đường phố - Ảnh: M.L.
'Bánh mì mà cột dây thun bên ngoài, tôi không lấy'
Trước khi "đi làm", tôi tuân thủ tốt lời kêu gọi nhau của cộng đồng shipper, đó là bảo vệ sức khỏe của bản thân, khách hàng cũng như cộng đồng trong giai đoạn dịch-19 đang có diễn biến phức tạp.
Ra đường, không những tôi mà nhiều "đồng nghiệp" khác đều chủ động thực hiện các biện pháp an toàn khi đi đơn. như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn trước và sau khi lấy món, cầm tiền…
Với những mẹo đã được bày, tôi kỳ vọng "ăn nên làm ra". Nhưng người tính không bằng trời tính, "tưởng vậy mà không phải vậy. Mẹo tôi có, nhiều "đồng nghiệp" khác cũng biết. Thế nên có buổi sáng, gần quán hủ tiếu trên đường Bà Hạt (Q.10), có đến hơn chục shipper đứng đợi. Chỉ vài người nhận được đơn hàng. Số còn lại, có tôi, app trên điện thoại chẳng có động tĩnh. Từng người lũ lượt, thất thiểu tìm nơi khác.
Rong ruổi mãi, tôi đứng ở ngã ba Lý Thái Tổ và Nguyễn Đình Chiểu (Q.10), hi vọng có đơn hàng.
Shipper Hữu Tài giao hàng cho khách tại khu Trung Sơn (Q.7) - Ảnh: M.L.
App báo có "nhiệm vụ mới", tức có người đặt. Vị khách ở gần đó đặt đồ ăn ở một quán nằm ở lầu 2 chung cư 42 Nguyễn Huệ (Q.1). Tôi lật đật bấm chấp nhận. Quãng đường 3,1 km. Mỗi km giá 5.000 đồng. Nhưng mỗi đơn hàng phải trả cho app 20%, tức 3.000 đồng. Nghĩa là tôi đi nhận và giao hàng "cuốc" này, tôi được 12.000 đồng.
Nhưng không phải nhận trọn 12.000 đồng. Muốn lên quán ấy, phải gởi xe, tốn 5.000 đồng. Chưa hết. Để lên lầu 2, phải đi thang máy. Tiếp tục tốn phí 3.000 đồng. Dư đúng 4.000 đồng. Đấy là chưa kể di chuyển hơn 6km, tiền xăng cũng khoảng 5.000 đồng. Hóa ra lỗ 1.000 đồng chứ chẳng dư đồng nào. Đấy là chưa kịp than vãn trời nắng như đổ lửa.
Sau này, tôi mới biết, có một cách khác không phải tốn 3.000 đồng đi thang máy. Đó là đi cầu thang bộ. Nhưng dù như thế, đơn hàng này vẫn coi như đã "đổ sông đổ bể", tính kiểu nào cũng chỉ có lỗ chứ chẳng lời, vì chưa tính tiền điện thoại cho khách. Đơn hàng đầu tiên của tôi trong "đời shipper" không như là mơ.
Tôi tự động viên mình rằng có thể đầu chưa xuôi nhưng đuôi sẽ lọt. Tôi có niềm tin, dẫu bước khởi đầu không suôn sẻ cho lắm, nhưng các đơn hàng sau sẽ trơn tru, có nhiều tiền.
Còn sự thật quá đỗi phũ phàng. Một "thượng đế" đặt mua hai ổ bánh mì ở đường Lê Thị Riêng (Q.1), giao đến đường Âu Cơ (Q.Tân Phú). Đơn hàng này tôi được 20.000 đồng tiền công. Đợi chờ cả gần mười phút mới lấy được bánh, rồi hộc tốc chạy đến địa chỉ cần giao.
Khách hàng cầm ổ bánh mì, nói tỉnh rụi: "Thôi, tôi không lấy. Tôi không ăn được hành. Bánh mì mà quấn dây thun bên ngoài, tôi không thể ăn". Tôi vội nói: "Nhưng lúc nãy tôi gọi điện thoại lại xác nhận đơn, không thấy chị lưu ý gì cả, trong đơn hàng chị cũng không ghi chú, nên tôi đâu biết chị không thể ăn hành". "Nhưng tôi không ăn được nên tôi không lấy. Thế thôi. Nói nhiều quá", vị khách nói rồi bước vào nhà, khiến tôi chưng hửng. Trước đó, tôi đã ứng 66.000 đồng để mua hai ổ bánh mì.
Nếu đem hai ổ bánh mì ấy về trụ sở của ứng dụng đối tác, tôi có thể được hoàn lại. Nhưng đoạn đường xa gần 7km. Tôi xem như là suất ăn trưa của mình. Trưa đó, bánh mì với chả lụa, với thịt… trông rất ngon nhưng ăn sao đắng ngắt.
Dù trời nắng hay trời mưa, shipper vẫn giao hàng không ngừng nghỉ - Ảnh: M.L.
Vui buồn lẫn lộn
Về sau, tôi cũng có không ít đơn hàng trơn tru. Tiền công có khi được 40.000 đồng - 50.000 đồng mỗi chuyến. Có ngày tôi nhận cũng được hơn chục đơn, trừ chi phí xăng dầu, tiền điện thoại, cũng có thêm chút đỉnh.
Nhưng cũng lắm lúc cười ra nước mắt vì khách từ chối nhận hàng với những lý do trời ơi đất hỡi.
Có lần giao trà sữa từ Q.3 qua Q.6, tới nơi trà sữa hòa tan một phần trong đá, khách cáu, không nhận, bồi vài câu chửi, dù trước đó, tôi đã hỏi "để đá riêng hay chung" thì được trả lời "cứ để chung". Cẩn thận đến thế còn bị chửi và từ chối nhận hàng. Đúng là khổ ải trần ai.
Hay có hôm mua bánh cuốn nóng từ Q.Tân Bình qua Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (Q.3). Tới nơi, gọi chẵn 10 cuộc gọi, dù đổ chuông, khách bặt vô âm tín. Khoảng… 3 tiếng sau, khách gọi lại: "Lúc nãy lo chơi bóng rổ, nên quên luôn".
Một đêm đầu tháng 8, đã 22h30, app vẫn báo nhiệm vụ mới. Khách hàng đặt cơm cháy, gỏi khô bò ở Q.6. Chung cư khách ở Q.12. Tôi gọi để xác nhận đơn hàng. Khách nghe rồi dặn: "Dạ đường xa, anh cứ đi từ từ, đừng vội nghen anh. Với lại đi quốc lộ xe container xe tải nhiều, anh đi cẩn thận".
Câu nói ấy, khiến tôi vui lạ thường. Dẫu để giao đơn hàng này, tôi phải đi gần 15 km, tôi chẳng biết mệt. Đó cũng là lần tôi vui nhất trong "đời shipper" của mình.
Khó được làm, dễ bị đuổi
Để làm shipper giao đồ ăn, có thể đăng ký làm đối tác giao hàng với các ứng dụng như: Baemin, Grab, Now, GoViet… Tuy nhiên có những ứng dụng, sau khi đăng ký cả tháng, thậm chí 2 - 3 tháng mới được nhận làm, chưa kể phải trải qua những khóa hướng dẫn, thi cử.
Các ứng dụng này quản lý đối tác giao hàng khá nghiêm khắc. Nếu có hành vi, thái độ không đúng khi giao tiếp với khách hàng, thực hiện không đúng quy trình giao và nhận, mặc đồng phục không đúng quy định… là có thể bị ngưng hợp tác từ vài ngày đến ngưng hợp tác vĩnh viễn.
* Còn tiếp
TTO - Nhiều người giao hàng (shipper) cho biết tác động của dịch COVID-19 khiến khách hàng gia tăng thanh toán bằng ví điện tử nhiều hơn tiền mặt vì lo ngại việc tiếp xúc.
Xem thêm: mth.54490246180900202-tam-coun-ar-iouc-gnah-oaig-neyuhc-gnuhn-oc-reppihs-mal-pat-iot/nv.ertiout