Việt Nam vào Top 50 thế giới về năng lực đổi mới sáng tạo
Trang Nguyễn
(TBKTSG Online) - Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam đã có những bước nhảy vọt đáng kể trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của 130 nền kinh tế trên thế giới trong những năm qua, khi lọt vào Top 50 về năng lực và sản lượng sáng tạo .
Bảng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) 2020 phát hành hàng năm xếp hạng các nền kinh tế thế giới về năng lực và sản lượng đổi mới đã cho thấy có một sự dịch chuyển sáng tạo dần dần về phía Đông của thế giới, với các điểm sáng là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam – những nền kinh tế đã tăng hạng đáng kể trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo những năm vừa qua.
Việt Nam đang dẫn đầu nhóm thu nhập trung bình thấp về năng lực sáng tạọ. Ảnh minh họa: TTXVN |
2020 là năm thứ 13 là bảng chỉ số GII được đồng xuất bản bởi trường Đại học Cornell, tổ chức INSEAD và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO – một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc).
Việt Nam, theo bảng xếp hạng này đã cải thiện 29 bậc trong những năm vừa qua, giữ vị trí thứ 42 trong hai năm liên tiếp (năm 2014 Việt Nam đứng vị trí 71). Việt Nam như vậy cũng đang dẫn đầu nhóm thu nhập trung bình thấp về năng lực sáng tạo. Trong khi đó, Ấn Độ (thứ 48) và Philippines (thứ 50) cũng là những quốc gia lần đầu tiên lọt vào top 50. Philippines đạt thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay khi nhảy 50 bậc từ năm 2014.
Theo ông Soumitra Dutta, cựu Trưởng khoa và Giáo sư quản lý tại trường Đại học Cornell, với những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, việc theo đuổi bền bỉ hoạt động đổi mới, sáng tạo sẽ được đền đáp theo thời gian. Bảng chỉ số GII, theo đó đã được sử dụng bởi các chính phủ để cải thiện hiệu suất đổi mới của nền kinh tế của mình.
Trong khi đó, các nền kinh tế đứng hàng đầu trong bảng chỉ số GII hầu như vẫn chỉ thuộc nhóm các nước có thu nhập cao, với Trung Quốc (thứ 14) vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong top GII 30 và Malaysia theo sau ở thứ hạng 33.
Bộ chỉ số GII cũng đưa ra một số phát hiện mới cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng đến bối cảnh đổi mới vào thời điểm mà hoạt động này đang phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2018, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cho đổi mới, sáng tạo đã tăng 5,2%, tức là nhanh hơn đáng kể so với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đầu tư mạo hiểm (VC) và sử dụng sở hữu trí tuệ (IP) vào đổi mới sáng tạo cũng được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại.
Do ảnh hưởng của Covid-19, số vốn đổ vào các dự án đổi mới cũng đang cạn kiệt dần, khi các giao dịch đầu tư mạo hiểm đang giảm mạnh ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu.
Bên cạnh các tác động tiêu cực, cuộc khủng hoảng dịch bệnh, theo GII, đã thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực cũ và mới, chẳng hạn như y tế, giáo dục, du lịch và bán lẻ.
Xem thêm: lmth.oat-gnas-iom-iod-cul-gnan-ev-ioig-eht-05-pot-oav-man-teiv/921803/nv.semitnogiaseht.www