vĐồng tin tức tài chính 365

Và không ai bị bỏ lại phía sau

2020-09-11 19:56

Và không ai bị bỏ lại phía sau

Tâm An

(TBKTSG Online) - Ở cái tuổi 71, ngày mưa cũng như ngày nắng, bà Nguyễn Thị Huỳnh đều phải dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ để đẩy xe xôi ra góc đường Tản Đà - Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) kịp giờ mọi người đi làm, đi học. Dịch Covid-19 nổ ra, mọi người hạn chế ra đường, lượng xôi chỉ bán được phân nửa so với bình thường. Hàng xóm xung quanh khuyên bà Huỳnh nghỉ buôn bán vì đã già, dễ lây bệnh. Nhưng mà bà không thể. Xe xôi đã nguồn sống của gia đình năm miệng ăn của bà suốt 16 năm qua. Rồi còn tiền thuốc men cho người chồng bị tai biến đã 20 năm nay, hai đứa con trai bị thần kinh…

Hồi đầu tháng 4, câu chuyện của bà Huỳnh được một số người chia sẻ với chương trình CafeTek của Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Nhóm hỗ trợ đến, tặng bà một chiếc điện thoại thông minh, chụp hình những đĩa xôi, đưa lên nền tảng GoFood của Gojek (lúc đó là GoViet) rồi hướng dẫn bà cách bán hàng. Rằng là, khi điện thoại “ting ting”, bà cần mở ra, đọc xem khách muốn ăn xôi gì để chuẩn bị sẵn sàng. Khi nào thấy có người mặc đồng phục màu đỏ, nón đỏ sọc trắng GoViet chạy xe máy ghé vào thì bà giao xôi cho người ta và nhận tiền. Những thao tác đó, tuy hơi lạ lẫm với bà nhưng bà ráng học. Vì bà biết, có chiếc điện thoại và cậu áo đỏ thì xôi của bà mới bán tiếp được, nguồn sống của gia đình mới được duy trì.

Nhóm Từ Tâm - gồm các tài xế Gojek trao quà tại Tiền Giang. Ảnh: Gojek cung cấp.

Cũng vì dịch Covid - 19, giãn cách xã hội mà xe cháo lòng nằm trên con hẻm nhỏ đường Đỗ Tấn Phong (quận Phú Nhuận, TPHCM) của chị Đỗ Thị Thanh Thảo vắng khách. Xe cháo là nguồn thu để chị nuôi hai đứa con trai, một đang học lớp bảy, một học lớp hai ăn học. Và, một lần nữa, nhóm hỗ trợ đến, đưa xe cháo của chị lên mạng. Gian hàng “cháo lòng chị Thảo” từ đó lại tiếp tục đông đúc để viết tiếp ước mơ đến trường của mấy mẹ con chị Thảo.

Bà Huỳnh và chị Thảo chỉ là hai trong số hàng trăm nhà hàng mới gia nhập nền tảng GoFood trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa tháng 3 vừa qua. Họ là những chủ cửa hàng, quán ăn siêu nhỏ, trước nay chỉ bán hàng theo cách truyền thống: khách đến ăn tại chỗ hoặc mang đi, trả tiền trực tiếp. Họ không hề biết đến công nghệ hoặc thậm chí chưa bao giờ sử dụng điện thoại. Dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội phải thực hiện, khách hàng phải ở nhà, bà Huỳnh, chị Thảo bỗng mất đi nguồn thu. Và nhờ công nghệ với một chiếc điện thoại thông minh, họ tiếp cận được các khách hàng trên nền tảng Gojek mà không cần thấy mặt. Với không ít người, đây là lần đầu tiên họ mới biết thế nào mà “smartphone”, làm sao để chụp hình bằng điện thoại, đóng gói đồ ăn giao cho shipper...

Chia sẻ với TBKTSG Online, bà Lynette Chong, Giám đốc Liên kết đối tác doanh nghiệp của Gojek Việt Nam cho biết, Gojek Việt Nam đang làm việc với 80.000 nhà hàng, từ các thương hiệu tên tuổi thân quen đến các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong các hang cùng ngõ hẻm, vốn không tên tuổi.

"Đối với các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ, chúng tôi hy vọng nền tảng GoFood có thể tiếp sức giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ những ngày đầu hoạt động, chúng tôi luôn duy trì cam kết hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn nhỏ, trong việc thúc đẩy kinh doanh, cải thiện doanh thu cũng như cơ hội tiếp cận công nghệ, các công cụ quảng bá trực tuyến. Với nền tảng công nghệ của Gojek, chúng tôi có thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực hơn nữa cho xã hội”, bà Lynette Chong nói.

“Đại dịch này làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa những người biết nắm bắt và tận dụng được công nghệ với những người chưa biết gì. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng làm những gì trong khả năng của mình để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, với 150 nghìn đối tác tài xế, đối tượng cũng chịu tổn thương vì dịch Covid, Gojek cũng đã thực hiện nhiều chương trình với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hồi tháng 5-2020, công ty đã hỗ trợ các đối tác tài xế gần 100.000 bữa ăn tại một số nhà hàng trong hệ thống, trao tặng hàng chục ngàn phiếu mua hàng, giá trị lên tới 250.000 đồng/phiếu, nhằm đỡ đần cho họ chi tiêu hàng ngày.

Các phiếu mua hàng có thể dùng mua xăng, dầu tại PVOil, mua thực phẩm, đồ dùng tại siêu thị Lotte, Big C và Ministop hay trang thương mại điện tử Tiki, nạp thẻ điện thoại, mua đồ uống tại các Trung Nguyên, Phúc Long, hay mua quần áo tại Canifa, Vascara... Các đối tác tài xế thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ nhận được các hướng dẫn đăng ký và phiếu mua hàng thông qua tin nhắn trên ứng dụng GoViet.

Các phiếu ăn uống và mua hàng có từ sự đóng góp của Quỹ Hỗ trợ Đối tác Gojek, trong khuôn khổ Quỹ Yayasan Anak Bangsa Bisa (YABB) được Gojek thành lập từ hồi tháng 3 với mục đích giúp đỡ hơn 2,3 triệu đối tác tài xế và nhà hàng của Gojek trên khắp khu vực Đông Nam Á. Quỹ này được hình thành từ nhiều nguồn, bao gồm đóng góp tự nguyện của các nhân viên và các công ty đối tác của Gojek, và trích quỹ tăng lương nhân viên hàng năm của tập đoàn.

Trước đó, vào tháng 3, GoViet đã ra mắt sáng kiến GoShield, gói bảo hiểm bảo vệ đối tác tài xế với mức hỗ trợ và bồi hoàn giá trị cao nhất trên thị trường mà một tài xế công nghệ có thể nhận được. Các tài xế cũng được cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn qua 10 điểm máy bán hàng tự động tại TPHCM.

Các tài xế giúp đỡ nhiều người khó khăn bằng tiền mình dành dụm. Ảnh: Gojek cung cấp.

Gojek cũng chủ động liên tục gửi thông tin lưu ý, khuyến cáo chung về phòng chống dịch của Bộ Y tế, hướng dẫn cách đeo khẩu trang đúng cách, cách tự pha dung dịch rửa tay khô hay nhắc nhở mang khẩu trang và nước rửa tay khô... thông qua ứng dụng và fanpage cho các tài xế.

Đặc biệt, như ông Đức chia sẻ, các đối tác tài xế, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, đã có những hành động rất ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng dù chính bản thân họ cũng đang gặp khó khăn. Họ vốn dĩ là những người xa lạ rồi biết nhau nhờ Gojek, trở thành những người “đồng nghiệp” rồi thân thiết, gắn bó với nhau khi có chung quan điểm sống.

Từ đợt dịch lần 1, một nhóm hơn mười tài xế GoViet đã lập nên nhóm thiện nguyện “Từ Tâm”. Mỗi người “bỏ ống heo” tiền công chạy xe mỗi ngày, sau 3 tháng góp đủ 2 triệu rồi mua khẩu trang, nước uống, tranh thủ lúc rảnh rỗi đến một số ngã ba, ngã tư hoặc cổng bệnh viện để phát tặng người qua đường. Người được nhận quà có thể là một tài xế mặc đồng phục giống họ, cũng có thể là người mặc đồng phục của hãng khác mà họ gọi là “đồng nghiệp của tui”, hay một người dân bất kỳ. Họ làm mọi việc vui vẻ, tự nguyện.

“Tụi tôi làm vậy thì có người nói khùng, vì đâu có dư dả gì. Nhưng, không làm thì ai làm”, Nguyễn Đình Khánh, một thành viên của nhóm Từ Tâm đã nói.

Ngoài nhóm Từ Tâm, các tài xế của Gojek còn có nhóm SOS chuyên giúp đỡ lẫn nhau trong tình huống khẩn cấp.

Ông Đức cho biết, ông cảm kích hành động của các đối tác tài xế, những người trong mắt ông là người hùng vì vẫn cần mẫn đi làm, duy trì các chuỗi cung ứng và giúp các hoạt động vẫn diễn ra dù giãn cách xã hội hay hạn chế đi lại. Và điều khiến ông tự hào là các tài xế đã và đang lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, cho xã hội trong vai trò là một đối tác của Gojek. Điều đó phần nào cho thấy các tài xế, đối tác của Gojek ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiểu rõ về bản chất quan hệ hai bên, đó là quan hệ win-win, hiểu được giá trị của nhau và tạo ra giá trị cho nhau.

“Trong nền kinh tế chia sẻ và với mô hình như Gojek, trách nhiệm xã hội được chúng tôi lồng ghép trong cốt lõi hoạt động kinh doanh của mình bằng việc hàng ngày tạo ra những giá trị cho hệ sinh thái. Để rồi, đến lượt mình, những đối tác trong hệ sinh thái của chúng tôi sẽ lan toả tiếp các giá trị cho chính cộng đồng đồng thời tác động đến xã hội. Đây chính là mô hình “Tạo ra giá trị chia sẻ” (Creating Shared Value) mà Trường kinh doanh Harvard đã đánh giá là làn sóng tiếp theo của đổi mới - sáng tạo và tăng trưởng trong năng suất lao động. Theo đó doanh nghiệp và cộng đồng cùng tạo ra giá trị xã hội, góp phần tạo ra giá trị cho xã hội, cùng đồng thời gia tăng lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh”, ông Đức nói.

Xem thêm: lmth.-uas-aihp-ial-ob-ib-ia-gnohk-av/701803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Và không ai bị bỏ lại phía sau”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools