vĐồng tin tức tài chính 365

80 tiếng bị bắt cóc, nhốt trong quan tài

2020-09-12 00:03

Khi kỳ nghỉ Giáng sinh năm 1968 tới gần, dịch cúm mùa bùng phát tại Đại học Emory thuộc thành phố Atlanta, bang Georgia. Trong các sinh viên bị bệnh có Barbara Mackle, 20 tuổi, con gái một triệu phú bất động sản.

Do bệnh xá của trường quá tải, mẹ của Barbara lái xe vượt quãng đường hơn 500 dặm từ nhà riêng tại bang Florida tới trường chăm con. Hai mẹ con thuê phòng trọ gần trường để Barbara có thể nghỉ ngơi và chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm.

Khoảng 4h ngày 17/12/1968, tiếng gõ cửa đánh thức hai mẹ con. Từ bên ngoài cửa vọng vào tiếng của người đàn ông tự xưng là cảnh sát, cần báo tin về vụ tai nạn giao thông có liên quan tới vị hôn phu của Barbara.

Chỉ chờ cửa mở, gã đàn ông ập vào đánh thuốc mê, bịt miệng, và trói chặt mẹ của Barbara. Cùng lúc, đồng phạm cầm súng hoa cải bắt Barbara giữ im lặng và yêu cầu cô lên xe đã được chuẩn bị sẵn. Sau quãng đường 20 dặm về phía bắc thành phố Atlanta, hai kẻ bắt cóc yêu cầu Barbara xuống xe. Trước mặt cô gái là miệng hố sâu, trong hố đặt chiếc quan tài đặc biệt.

Chiếc quan tài được chế tạo khá phức tạp, cho thấy kế hoạch bắt cóc đã được chuẩn bị từ lâu. Bên cạnh chăn, áo len, đồ vệ sinh, thức ăn và nước uống bị tẩm thuốc mê, trong quan tài còn lắp quạt điện, đèn, máy bơm, cùng hai ống nhựa dẫn lên mặt đất để đảm bảo có dưỡng khí.

Theo hai kẻ bắt cóc, quan tài được làm từ chất liệu gỗ ép gia cố bằng sợi thủy tinh nên không thể phá ra ngoài. Chúng còn dọa rằng nếu nắp quan tài bị chọc thủng, nước ngầm trong đất sẽ chảy vào trong khiến cô gái chết đuối. Đồng thời, hai kẻ cũng xoa dịu rằng vẫn sẽ trả tự do cho Barbara nếu không được nhận tiền chuộc.

Bất chấp lời van xin của nạn nhân, hai kẻ bắt cóc yêu cầu cô nằm vào quan tài. Chúng bắt Barbara cười tươi, cầm biển ghi chữ "bị bắt cóc", rồi chụp ảnh lại làm chứng cứ cô còn sống. Quan tài sau đó được đậy nắp, bắt vít, và phủ đất lên trên. Chỉ vài phút sau, Barbara bị chôn vùi dưới tầng đất dày gần 50 cm.

Chiếc hố hai kẻ bắt cóc đã đào sẵn. Ảnh: Getty.

Chiếc hố hai kẻ bắt cóc đào sẵn. Ảnh: Getty.

Dường như kẻ bắt cóc đã chọn nhầm gia đình khi lên kế hoạch gây án. Bố của Barbara, Robert Mackle, không chỉ là triệu phú bất động sản mà còn là bạn thân với tổng thống sắp nhậm chức. Hàng loạt đơn vị FBI khắp hai bang Florida và Georgia được triển khai để điều tra và tìm kiếm manh mối.

Ít lâu sau, thư đòi tiền chuộc tới tay Robert. Lá thư yêu cầu 500.000 USD (có giá trị tương đương 3,5 triệu USD vào năm 2018) với các tờ mệnh giá 20 USD. Valy tiền phải do Robert đích thân bỏ tại bìa rừng gần thành phố Miami, bang Florida. Sau khi nhận được tiền, kẻ bắt cóc sẽ tiết lộ địa điểm chôn Barbara cho FBI.

Robert lập tức gom đủ tiền và làm như được dặn. Tuy nhiên, quá trình giao tiền không thành công do hai cảnh sát địa phương trong lúc điều tra vụ trộm không liên quan đã vô tình bắt gặp hai kẻ khả nghi xách theo valy. Sự xuất hiện của cảnh sát khiến hai kẻ này bỏ lại valy tiền để trốn vào bìa rừng. Lần theo hướng nghi phạm chạy trốn, cảnh sát tìm thấy chiếc tô bị bỏ lại trong rừng. Kết quả khám xe thu được ảnh người đàn ông đội mũ cảnh sát và giấy tờ của người tên George Deacon.

Tuy vậy, mục tiêu lúc này của gia đình và nhà chức trách là đảm bảo an toàn cho con tin. Sợ kẻ bắt cóc bỏ hết tất cả sau vụ bắt giữ hụt, Robert vội đăng tin trên báo để thiết lập lại liên lạc. Chỉ vài tiếng sau, ông nhận được cuộc gọi báo địa điểm giao dịch mới. Lần này, mọi chuyện diễn ra thuận lợi.

15 tiếng sau khi nhận tiền, kẻ bắt cóc gọi điện cho FBI để thông báo Barbara bị chôn ở đâu đó trong bìa rừng gần thành phố Duluth, bang Georgia. Dựa trên thông tin này, hơn 100 đặc vụ tỏa ra các cánh rừng xung quanh để tìm kiếm. Thấy chỗ khả nghi, họ dùng công cụ hoặc dùng tay không đào lên.

Nửa đêm rạng sáng ngày 20/12/1968, cuộc tìm kiếm kết thúc khi đặc vụ thấy hai miệng ống nhựa trồi lên khỏi mặt đất. Barbara cuối cùng được giải cứu sau 83 tiếng bị giam cầm trong không gian ẩm ướt và chật hẹp. Dù ê ẩm, đói khát, và sụt mất 4,5 kg, Barbara vẫn khá tươi tỉnh. Khi được hỏi lý do, cô gái nói đã giữ vững tinh thần bằng cách tưởng tượng cảnh ở bên gia đình trong lễ Giáng sinh và tin rằng sẽ được giải cứu.

Con tin đã an toàn, FBI tập trung truy tìm kẻ bắt cóc. Biển số của chiếc xe bị bỏ lại trong rừng cho thấy chủ xe là George Deacon, người chuyên xây hộp thông gió cho Đại học Miami (bang Florida). Với kinh nghiệm xây hộp thông gió, Deacon có khả năng chế tạo hệ thống thông khí như trong quan tài. Theo đồng nghiệp, Deacon còn có bạn gái cũng làm cho Đại học Miami có tên Ruth Eisemann-Schier, 26 tuổi. Cả hai hiện biến mất.

Lúc này, FBI nhận được cuộc gọi của người dân sống tại Georgia, cho biết vừa mua lại chiếc ôtô cũ và phát hiện bên trong có bức thư viết cho Gary Krist, 23 tuổi, kẻ vượt ngục từ hai năm trước. Kết quả đối chiếu vân tay trong chiếc xe với mẫu vật trong hồ sơ của Krist cho thấy hai kẻ này thực tế là một người. FBI liền phát lệnh bắt giữ Gary Krist và Ruth Eisemann-Schier.

Theo tin báo của một người quản lý âu thuyền, vài tiếng trước có người đàn ông khả nghi khi đi qua các âu thuyền nói bị mất giấy tờ đăng ký của chiếc thuyền máy đang lái. Dựa trên tin báo, nhà chức trách tổ chức truy đuổi bằng đường thủy, cuối cùng bắt được Krist tại một đầm lầy của bang Florida. Trên thuyền máy, cảnh sát thu được nhiều tiền mặt mệnh giá 20 USD.

Gary Krist cúi đầu khi bị bắt. Ảnh: Getty.

Gary Krist cúi đầu khi bị bắt. Ảnh: Getty.

Eisemann-Schier, đồng phạm của Krist, ẩn náu tốt hơn bạn trai. Cô ta trở thành người phụ nữ đầu tiên bị đưa vào danh sách 10 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của FBI. Eissemann-Schier sa lưới tại thành phố Norman, bang Oklahoma vào tháng 3/1969.

Công tố viên cáo buộc Krist và bạn gái đã lên kế hoạch bắt cóc và theo dõi Barbara từ nhiều tháng trước. Các bị cáo chọn Barbara vì nạn nhân có nhiều tiêu chí như xuất thân từ gia đình giàu có, có tâm lý vững vàng, có thể chịu đựng được việc bị chôn sống.

Năm 1969, Krist cố tỏ ra bị điên trước chuyên gia tâm lý của tòa nhưng vẫn bị kết tội và lãnh án chung thân. Eissemann-Schier lấy lý do gây án vì quá yêu Krist và nhận 7 năm tù. Sau bốn năm tù, Eissemann-Schier được ra tù sớm và bị trục xuất về quê hương Honduras. Ngược lại, câu chuyện của Krist vẫn chưa kết thúc tại đây.

Giữa thập niên 1970, Krist trở thành tù nhân kiểu mẫu bằng cách tham gia lớp đào tạo nhân viên cứu hộ khẩn cấp và làm việc trong nhà y tế của trại giam. Anh ta cũng bắt đầu viết thư cho giới chức quản lý hệ thống nhà tù, từ đó tạo dựng được mối quan hệ với Tommy Morris, chủ tịch Ủy ban Ân xá bang Georgia.

10 năm 5 tháng sau vụ bắt cóc, Krist được ra tù sớm ở tuổi 33 và quyết theo học trường y. Khi việc nhập học có vấn đề vì có tiền án phạm tội nghiêm trọng, Krist được chủ tịch Morris hỗ trợ để được Thống đốc bang Georgia đặc xá.

Krist sau đó lấy vợ, tốt nghiệp trường y rồi làm việc tại bang Indiana cho tới khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề vào năm 2003 vì không tiết lộ từng bị kỷ luật trong lúc làm việc. Ba năm sau, Krist bị phát hiện chở người nhập cư trái phép và buôn lậu cocaine vào Mỹ, phải ngồi tù gần bốn năm.

Quốc Đạt (Theo Coastal Breeze News, FBI)

Xem thêm: lmth.5899514-iat-nauq-gnort-tohn-coc-tab-ib-gneit-08/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“80 tiếng bị bắt cóc, nhốt trong quan tài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools