vĐồng tin tức tài chính 365

Đường lập nghiệp gian nan của tỉ phú nước đóng chai Trung Quốc

2020-09-12 07:27

Đường lập nghiệp gian nan của tỉ phú nước đóng chai Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Bỏ học sớm để ra đời mưu sinh đủ nghề từ thợ nề, thợ mộc cho đến phóng viên, trồng nấm, bán thuốc cường dương, ông Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm), 66 tuổi, vị doanh nhân kín tiếng, bất ngờ trở thành tỉ phú giàu thứ ba Trung Quốc.

Ông Zhong Shanshan có mặt trong danh sách câu lạc bộ những tỉ phú giàu nhất Trung Quốc sau khi công ty nước tự nhiên đóng chai của ông chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông với lượng đặt mua kỷ lục.

Trong giới kinh doanh ở Trung Quốc, ông Zhong Shanshan thường được nhắc tới bằng biệt danh ‘sói đơn độc’.

Hôm 7-9, thị trường chứng khoán Hồng Kông xác lập một kỷ lục mới khi đợt IPO của Công ty nước đóng chai Nongfu Spring chứng kiến tổng lượng đặt mua cổ phiếu của nhà đầu tư nhỏ lẻ cao gấp 1.147 lần lượng cổ phiếu chào bán. Có hơn 700.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ cạnh tranh đặt lệnh mua 677 tỉ đô la Hồng Kông (hơn 87 tỉ đô la Mỹ) cho phần cổ phiếu chào bán của Nongfu Spring. Đây là giá trị cao nhất từ trước đến nay của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong một đợt IPO ở Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Trong khi đó, khối lượng cổ phiếu đặt mua của các nhà đầu tư tổ chức cũng cao gấp 60 lần lượng cổ phiếu mà Nongfu Spring chào bán. Kết quả là Nongfu Spring thu về 1,1 tỉ đô la trong đợt IPO với nhờ bán thành công 388,2 triệu cổ phiếu với mức giá 21,5 đô la Hồng Kông/cổ phiếu. Ngay trong phiên giao dịch chào sàn vào ngày 8-9, giá cổ phiếu Nongfu Spring có lúc tăng vọt 85% lên mức 39,8 đô la Hồng Kông. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu Nongfu Spring lùi về mức giá 33,1 đô la Hồng Kông, cao hơn 54% so với mức giá IPO.

Mức tăng giá vượt ngoài mong đợi này giúp 84% cổ phần của ông Zhong Shanshan ở Nongfu Spring đạt trị giá 40 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, ông cũng đang nắm giữ số cổ phần trị giá 9,4 tỉ đô la Mỹ tại Công ty Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise, nhà sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 và HIV.

Kể từ khi IPO ở Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hồi tháng 4, công ty này chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 2.000%. Cộng với các tài sản và tiền mặt khác của ông được Bloomberg định giá 1 tỉ đô la Mỹ, tổng tài sản của nhà sáng lập Nongfu Spring đạt mức gần 51 tỉ đô la Mỹ, giúp ông đứng thứ ba trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, chỉ đứng sau tỉ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba và tỉ phú Pony Ma, người sáng lập Tập đoàn Tencent.

Theo bản cáo bạch của Nongfu Spring, trong năm 2019, công ty này đạt doanh thu 24 tỉ nhân dân tệ (3,5 tỉ đô la) và lợi nhuận 4,95 tỉ nhân tệ (720 triệu đô la) trong năm 2019, tăng 20,6% so với năm trước đó.

‘Sói đơn độc’ trong giới kinh doanh

Nongfu Spring chứng kiến tổng lượng đặt mua cổ phiếu của nhà đầu tư nhỏ lẻ cao gấp 1.147 lần lượng cổ phiếu chào bán.

Thương hiệu Nongfu Spring nổi tiếng khắp Trung Quốc nhưng ông Zhong Shanshan thì không, ít nhất là trước khi công ty ông tiến hành IPO.

Trong giới kinh doanh ở Trung Quốc, ông Zhong Shanshan thường được nhắc tới bằng biệt danh ‘sói đơn độc’. Ông được đặt biệt danh này vì ông quyết liệt tấn công các đối thủ trong chiến dịch quảng cáo sản phẩm nước đóng chai của Nongfu Spring nhưng ông lánh xa báo chí và giữ mối quan hệ độc lập với giới doanh nhân và tinh hoa chính trị ở Trung Quốc.

“Tôi từng là phóng viên. Tôi biết chính xác điều gì xảy ra khi được đưa lên trang nhất”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với tờ China Daily.

Ông sinh trưởng ở tỉnh Chiết Giang, cái nôi của các doanh nghiệp thành công Trung Quốc. Tỉ phú Jack Ma và tỉ phú Li Shufu, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Geely Auto Group, đều xuất thân từ tỉnh này.

“Triết Giang nổi tiếng là nơi sản sinh ra những doanh nhân năng động nhất Trung Quốc”, Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hurun, ở Thượng Hải, nói.

Ông Zhong học đến lớp 5 thì nghỉ học lúc Trung Quốc đang trải qua cơn biến động của Cách mạng văn hóa và bắt đầu mưu sinh với các công việc thợ nề, thợ mộc. Sau đó, ông đi học trở lại và thi đỗ vào Đại học Phát thanh và Truyền hình Triết Giang.

Ra trường, ông làm phóng viên cho một tờ báo địa phương. Năm 1988, ông bỏ việc để theo đuổi các dự án kinh doanh ở tỉnh Hải Nam, bao gồm điều hành một tờ báo, mở một trại trồng nấm và phân phối nước uống đóng chai nhưng tất cả đều thất bại.

Ông chuyển sang bán các chất bổ sung bao gồm viên uống tăng cường sinh lực chiết xuất từ các bộ phận của rùa vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Ông rút khỏi thị trường này trước khi một vụ bê bối về an toàn xảy ra, khiến cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn.

Năm 1996, ông thành lập Nongfu Spring để sản xuất nước uống đóng chai khai thác từ tầng nước sâu ở hồ Thiên Đảo ở tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra, công ty ông cũng khai thác nước suối từ những vùng khác như cao nguyên Tây Tạng và đỉnh núi Trường Bạch ở đông bắc Trung Quốc.

Bằng cách quảng cáo nhấn mạnh các sản phẩm nước uống tự nhiên có các thành phần khoáng chất, tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm nước uống tinh khiết khác, Nongfu Spring dần thâu tóm thị phần trường và giữ vững ngôi đầu trên thị trường nước uống đóng chai ở Trung Quốc trong suốt chín năm qua.

Đến năm 2000, Nongfu Spring mở rộng danh mục sản phẩm để bán thêm nước ép trái cây, nước tăng lực, trà chanh... Năm ngoái, công này bắt đầu bán cả cà phê đóng chai dưới thương hiệu Tanbing.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng vào năm 2015, Zhong cho biết ông né báo chí vì sợ bị trích dẫn lời sai. Ông nói: “Một doanh nhân thực sự thích giữ sự bình lặng”.

Song ông cũng khá cởi mở khi nói về các quan điểm kinh doanh của mình. Ông bày tỏ thất vọng về luật cạnh tranh của Trung Quốc và hoài nghi về cách mà các công ty Internet phát triển và thống lĩnh nền kinh tế Trung Quốc.

“Internet sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc lạc hướng. Internet là một công cụ chứ không phải là toàn bộ của tiến trình kinh tế. Chúng ta đã quá chú trọng đến Internet”.

Ông cũng lo ngại về quy mô đầu tư ở lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Ông cảnh báo bất động sản có thể trở thành ‘gánh nặng’ của nền kinh tế và làm phân tán các nguồn lực đầu tư mà đáng lẽ ra có thể sử dụng tốt hơn.

Ông nói: “Trong thập kỷ qua, về cơ bản, 90% doanh nhân Trung Quốc đều tham gia đầu tư bất động sản vì ở nơi đó, họ có thể giàu lên chỉ sau một đêm... Chúng ta đáng lẽ ra có thể sử dụng 10 năm qua để nghiên cứu sản phẩm, cải thiện tính cạnh tranh và đầu tư cho công nghệ. Đa số doanh nhân của chúng ta từ bỏ đam mê này để đầu tư cho bất động sản vì lĩnh vực này giúp họ dễ dàng làm giàu nhanh”.

Giải thích lý do không đầu tư cho bất động sản, ông nói: “Tôi nghĩ tôi không biết cách nịnh nọt người khác. Tôi không thích giao du xã hội và cũng không biết uống bia rượu nên tôi sẽ không thành công với bất động sản”.

Công ty ông thậm chí phát một quảng cáo trên truyền hình, trong đó quảng bá một thử nghiệm cho thấy những cây thủy tiên hoa vàng được tưới bằng nước suối tự nhiên của Nongfu Spring tăng trưởng tốt hơn những cây được chăm sóc bằng nước tinh khiết.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt, Nongfu Spring vẫn tạo ra sự khác biệt lớn trong quảng bá thương hiệu”, Jason Yu, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng ở Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, nói.

Chiến dịch quảng bá này hiệu quả đến nỗi khiến các đối thủ tức tối và khiếu nại, dẫn đến việc Cục Công nghiệp và Thương mạo nhà nước Trung Quốc phạt tiền Nongfu Spring về tội ‘cạnh tranh ác ý’.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2015, ông chỉ trích hệ thống pháp lý lỗi thời của Trung Quốc khiến công ty ông thua trong vụ khiếu nại về cạnh tranh.

Ông nói: “Pháp luật Trung Quốc không cho phép quảng cáo so sánh các sản phẩm, vốn là điều bình thường ở Mỹ và châu Âu. Làm sao các sản phẩm của Trung Quốc có thể cải thiện nếu bất kỳ điều gì tôi nói đều bị quy là cạnh tranh ác ý?”.

Ngoài thành quả có được từ chiến dịch quảng cáo đánh vào nhận thức của người tiêu dùng, giới phân tích cũng đánh giá cao quy trình sản xuất và phân phối hiệu quả cao của Nonggfu Spring. Jason Yu cho biết biên lợi nhuận của Nongfu Spring cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh xếp ngay bên dưới.

Năm ngoái, công ty này ghi nhận biên lợi nhuận 60,9% ở mảng nước uống đóng chai, cao hơn hẳn so với mức 41% của thương hiệu nước uống đóng chai C’estbon lớn thứ hai Trung Quốc của Tập đoàn China Resources. Mạng lưới kinh doanh vưng mạnh cũng giúp Nongfu Spring duy trì sự thống lĩnh thị trường nội địa.

Ông Zhong Shanshan tự hào về kỹ năng tiếp thị và bán hàng của mình. Ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2004: “Một công ty sẽ chết nếu không biết cách quảng bá sản phẩm”.

Theo Nikkei Asian Review, Financial Times

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, doanh thu của thị trường nước đóng chai ở Trung Quốc đạt 201,7 tỉ nhân dân tệ (29,5 tỉ đô la Mỹ) vào năm ngoái, trong đó, Nongfu Spring là ‘tay chơi’ lớn nhất, chiếm giữ hơn 20% thị phần. Danone (Pháp), chủ thương hiệu nước uống đóng chai Evian, chỉ chiếm 3% thị phần, trong khi đó, Coca-Cola chỉ nắm giữ 2,5% thị phần. Frost & Sullivan dự báo trường nước đóng chai ở nước đông dân nhất thế giới tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2024.

 

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-iahc-gnod-coun-uhp-it-auc-nan-naig-peihgn-pal-gnoud/931803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đường lập nghiệp gian nan của tỉ phú nước đóng chai Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools