Phút nghỉ ngơi của một shipper - Ảnh: M.L.
1 đơn hàng, 4 ngày công: chính là tập vượt qua thử thách
Dù sự việc đã xảy ra cả tháng, anh Việt Tâm (28 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa nguôi ngoai.
Lần đó, anh Tâm nhận được đơn hàng mua bánh sinh nhật từ một thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng. Giá bánh đến 800.000 đồng. Thấy giá cao, khách trả tiền mặt nên anh Tâm gọi điện thoại xác nhận. Khách luôn miệng "ok, ok". Người shipper này yên tâm vét sạch túi để mua bánh đem giao. Oái ăm là, đến lúc giao, khách lại "biến mất", tắt cả điện thoại.
"Lúc đó tôi tá hỏa, chạy xe không nổi luôn, vì số tiền quá lớn. Chạy cả ngày cả 50 - 60 km mới được gần 200.000 đồng. Tính ra cũng bằng 4 ngày giao hàng. Tôi vội báo về công ty. Họ kêu mang lên rồi sẽ hoàn trả. Nhưng sau đó phải tốn ba ngày, trải qua nhiều thủ tục rườm rà, tôi mới nhận lại đủ tiền. Kể từ đó, hễ thấy app báo đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên là tôi run lắm", anh Tâm nhớ lại rồi cho biết thêm: "Đời shipper, có lẽ ai cũng dính vài ba lần bị "bom" hàng như thế. Tôi may mắn lấy lại được tiền, chứ có nhiều shipper ngậm đắng nuốt cay, uống 5 ly trà sữa, ăn một lần 2 cái lẩu luôn. Rất đáng thương".
Cùng đứng trên đường Thành Thái (Q.10), Thành Vinh (19 tuổi, ở Q.10) nhìn điện thoại rồi lẩm bẩm: "Có đơn hàng rồi, mà lại là bún. Đừng giống như đợt trước".
"Đợt trước" ấy cách đây nửa tháng, Vinh nhận đơn mua 3 phần bún bò giao đến một chung cư Q.7. Đến nơi, Vinh mới biết địa chỉ nhận hàng là nhà của một nam ca sĩ từng đạt giải nhất một cuộc thi âm nhạc.
"Ca sĩ ấy bảo không hề đặt hàng. Yêu cầu mình gọi lại số điện thoại đặt đơn hàng. Hóa ra, người đặt đơn là một fan, muốn mua đồ ăn cho thần tượng. Nhưng để thần tượng... trả tiền. Bây giờ câu chuyện ấy phổ biến lắm. Nhiều người rảnh rang đặt cho thần tượng món này món kia, rồi thần tượng không nhận nên khiến shipper khóc dở mếu dở", Vinh rầu rĩ.
Vinh bảo, đó chỉ là một trong kho tàng tình huống éo le mà anh gặp phải. "Có lần "nổ cuốc", vội đến quán lấy đồ ăn. Nhưng khách đông, quán làm lâu, buộc phải đợi chờ. Nhưng khách hối liên tục. Vượt gần chục km, đem đến giao thì họ chửi "hủ tiếu nhũn rồi, không ăn, trả, không trả tiền". Một lần khác, đem phần lẩu bò đến một gia đình ở Q.10. Hai vợ chồng cãi nhau ỏm tỏi, họ giận nhau rồi xả tức vào... shipper, từ chối nhận hàng. Mình tức phát khóc", Vinh nhớ lại.
Shipper có nhiều dạng, phổ biến nhất là giao đồ ăn. Bên cạnh đó còn có giao hàng công nghệ, hay giao hàng chuyên nghiệp, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, hoặc giao hàng tự do, làm việc cho các chủ cửa hàng: thời trang, hoa.... Nhưng dẫu làm shipper dạng nào, hầu như cũng từng một vài lần "nếm mùi đau thương".
"Tôi làm shipper cho một công ty giao hàng. Có lần đã 10h sáng, đến nơi ghi trên địa chỉ nhận, gọi điện thoại bảo họ ra nhận hàng. Họ chửi té tát, chửi tôi… "vuốt mặt không kịp luôn" vì… phá giấc ngủ. Dù họ ở nhà, nhưng "viện cớ"… đang ngủ, hẹn tôi khi khác đến. Sau đó tôi phải chầu chực vài ngày mới giao được hàng", anh Hữu Tài (35 tuổi, ở Q.7), than vãn.
Hi vọng có nhiều đơn đặt hàng - Ảnh: M.L.
Cứu cánh những ngày thất nghiệp
Dẫu những lần đi giao hàng với mỏi mệt, đắng chát, dẫu cuộc đời shipper cũng lắm khổ ải trần ai, có một thực tế là vẫn rất đông người cố gắng bám lấy nghề này. Với họ, những đồng tiền, dù ít ỏi, phảng phất những lời chửi bới, nặng nhẹ của khách hàng, cũng đã giúp họ qua được những ngày khó khăn.
Đợt COVID-19 đầu tiên hoành hành đầu năm 2020 khiến bao công nhân điêu đứng vì thất nghiệp. Lê Tấn (26 tuổi, quê ở Bạc Liêu) vốn là công nhân một công ty may ở Q.Thủ Đức (TP.HCM). Nhưng ba tháng trước, công ty gặp khó khăn vì COVID-19, cắt giảm nhân sự, Tấn thất nghiệp. Anh đăng ký làm shipper cho Grab.
Anh kể, mỗi ngày chạy khoảng 16 - 20 đơn hàng, được khoảng 300.000 - 400.000 đồng. "Tuy vất vả, dầm mưa dãi nắng và "ăn chửi" cả ngày, tiền công làm shipper hơn tiền lương công nhân lúc trước", anh nói.
Không riêng gì Tấn, hiện nay trong đội ngũ shipper có những người vốn là công nhân các công ty giày dép, thủy sản, may mặc... Sau khi thất nghiệp, họ chọn công việc giao hàng để làm kế sinh nhai. Có người bước vào nghề này vài tháng, có người lâu hơn. Nhưng phần lớn đều đang coi giao hàng là công việc chính.
Với những ứng dụng giao hàng hiện nay, tùy ứng dụng mà tính cước phí khác nhau, dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/1 km. Theo đó, nếu mỗi đơn hàng có khoảng cách giao 5km, shipper được nhận về 20.000 đồng (đã trừ đi 20% cho app).
"Chịu cày, mỗi ngày cố gắng chạy 15 - 20 đơn hàng thì tôi cũng được gần 400.000 đồng, đủ tiền đưa vợ đi chợ, mua sữa cho con...", Quốc Bảo (32 tuổi, ở Q.Bình Thạnh), tâm sự. Cách đây ba tháng, Bảo là công nhân công ty về linh kiện điện tử ở Q.9, nhưng sau đó buộc phải nghỉ việc.
Tuấn Hữu (30 tuổi, ở Q.Tân Phú) có hai con gái 4 và 8 tuổi. Vợ anh trước đây cũng làm công nhân, nhưng nay nghỉ ở nhà giữ con.
Hữu chia sẻ: "Làm shipper khổ thật. Đi ngoài đường cả ngày lẫn đêm, chưa kể nhiều khi gặp những vị khách "ớn ăn", thích là chửi, hứng là hủy đơn hàng... Nhưng nếu biết cách chấp nhận, siêng năng, chịu được tủi hổ thì có thể làm để kiếm tiền. Nói thiệt, nhờ làm shipper mà tôi có tiền đóng nhà trọ, trang trải cho bốn miệng ăn ở nhà".
Cũng vì cố gắng kiếm tiền cho cuộc sống gia đình, cứ 6h sáng, anh Hữu lại ra đường, bật app, mong chờ có đơn đặt hàng, rồi tích cóp từng chuyến mỗi 12.000, 15.000, 20.000 đồng đem về đưa cho vợ. Mấy lần được khách "boa" thêm 2.000, 3.000 đồng, anh cảm ơn ríu rít...
Không dễ để được thưởng
Hầu hết các ứng dụng giao hàng đều có chương trình thưởng (thưởng ngày và thưởng khung giờ vàng) để khích lệ đối tác là tài xế. Thưởng khung giờ vàng là từ 10 - 13h, 17 - 22h mỗi ngày, nếu tài xế nhận nhiệm vụ sẽ được thưởng từ 9.000 đồng. Riêng ngày cuối tuần sẽ được thưởng thêm 2.000 đồng.
Còn mỗi tài xế khi cán mốc 8, 15, 20, 25 đơn hàng sẽ lần lượt được thưởng các mức 70.000, 150.000, 210.000, 280.000 đồng. Tuy nhiên điều kiện bắt buộc là có tỉ lệ hoàn thành (số đơn hoàn thành/tổng số đơn nhận) phải đạt tối thiểu 75%. Đó là lý do dù biết đơn hàng chỉ có tiền công đi giao được 12.000 - 15.000 đồng, các tài xế vẫn chấp nhận, không dám từ chối. Họ sợ tỉ lệ hoàn thành không đủ điêu kiện được thưởng.
Nhưng lắm khi, khách đột ngột hủy đơn, dù tài xế đã nhận hàng thì coi như ước mơ được nhận thưởng vẫn chỉ là mơ ước. Nhất là sau dịch COVID-19, rất nhiều hàng quán dẹp tiệm, vừa nhận đơn đã phải hủy đơn.
* Còn tiếp
TTO - Tỉ trọng thanh toán không tiền mặt của khách ở kênh thương mại điện tử đang được cải thiện không chỉ hướng đến cách mua sắm văn minh hơn mà còn giảm thiểu rủi ro cho cả shipper lẫn người mua hàng.