Cổng cổ chùa Diệc ở TP Vinh, Nghệ An, nơi tìm thấy “bản chính” Văn tế thập loại chúng sinh, một tác phẩm trác tuyệt và đậm tính nhân văn của Nguyễn Du - Ảnh: THÁI LỘC
Không gian văn hóa Nguyễn Du
Từ trước đến nay, rất nhiều lập luận Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều ở nhiều nơi, như Hà Tĩnh, Quảng Bình và kinh đô Huế... Với Huế, Nguyễn Du đặt chân lần đầu năm 1793, thăm anh ruột là Nguyễn Nễ (Đề) và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đều là quan triều Tây Sơn, nhưng từ chối sự giới thiệu làm quan mà về lại quê nhà.
Từ 1805 đến 1820, ngoài thời gian làm việc tại Quảng Bình và đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du có khoảng 12 năm sống tại Huế. Nhiều người tin rằng giai đoạn này rất quan trọng trong sự nghiệp đại thi hào, có đủ điều kiện, độ chín, thời gian lẫn không gian để làm nên tuyệt tác văn chương Truyện Kiều.
Sách Đại Nam liệt truyện triều Nguyễn ghi: "Du rất giỏi về thơ, làm thơ quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về, có tập thơ Bắc hành và truyện Thúy Kiều lưu hành ở đời".
Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: "Tôi tạm theo Đại Nam liệt truyện mà tin rằng văn Kiều xuất hiện sau khi cụ Nguyễn Du đi sứ về", tức ở Huế, trong khoảng 1814-1820. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng Nguyễn Du vào kinh làm quan cho đến cuối đời trọn 15 năm, bao nhiêu nỗi niềm suy tư được đại thi hào ý vận đời Kiều 15 năm lưu lạc.
"Căn nguyên" Truyện Kiều của Nguyễn Du từng được lý giải nhiều góc độ khác nhau. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng thời Tây Sơn năm 1790, Nguyễn Nễ đi sứ Trung Quốc đã đem lô sách về tặng em trai. Truyện của Vương Thúy Kiều của Phùng Mộng Long nằm trong bộ tình sử được Nguyễn Du đọc trong xúc động.
Sau thời gian nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, ông thấy đồng nhất số phận nàng Kiều với cảnh ngộ từng trải qua của chính mình nên lấy câu chuyện làm sườn viết nên Truyện Kiều.
Nhiều nơi ở kinh thành Huế còn lưu dấu thi sĩ Nguyễn Du qua nhiều vần thơ tự sự trong tập Nam Trung tạp ngâm. Từ dãy nhà công vụ nơi ở của ông giai đoạn đầu triều Nguyễn, cho đến khu vực tham tri đường Bộ Lễ mà ông từng đưa vào thơ chữ Hán như dạng "nhật ký". Ra ngoài kinh thành, đến xóm Vạn Xuân, chùa Thiền Tôn hay bến đò Hương Cần..., cảnh vật dù có đổi dời nhưng những vần thơ như tiếng thở dài vẫn còn văng vẳng rung động cõi lòng...
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho rằng rất cần một cuộc tổ chức tìm kiếm bài bản để định vị, xác lập một cách cụ thể những địa danh còn đọng trong thơ như thế: "Sẽ thật thú vị, những địa danh ấy cùng với nơi còn vương máu thịt (nguyên táng) sẽ trở thành điểm, thành tuyến, tạo nên một không gian Nguyễn Du rất có chiều sâu văn hóa cho đất Huế".
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Huế và Hà Tĩnh được nhiều nhà nghiên cứu xác quyết là nơi sáng tác Truyện Kiều. Nhưng, một "nơi sáng tác Kiều" khác, chính là thành Đồng Hới (Quảng Bình) mà Nguyễn Du có 4 năm làm quan cai bạ (như phó tỉnh trưởng, 1809-1813), được các nhà nghiên cứu diễn giải thú vị không kém phần.
Đến Đồng Hới những ngày này, nhịp sống thành phố sầm uất bên bờ sông xuôi ra cửa biển Nhật Lệ khung cảnh thanh bình. Thành cổ Đồng Hới bên sông chỉ còn một phần do chiến tranh...
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi ở nơi đây, nhà thơ hội đủ "độ chín", thời gian lẫn không gian sáng tác Truyện Kiều, thể hiện mồn một qua những vần lục bát đậm tình, trác tuyệt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai (Quảng Bình) cho rằng nơi nhà thơ ở thành Đồng Hới hướng ra sông Nhật Lệ, bên kia là cồn cát Bảo Ninh, cửa biển Nhật Lệ xa kia thấp thoáng những cánh buồm.
Ông cho rằng: "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu. Rõ ràng đó là khung cảnh của nàng Kiều khi bị "khóa xuân" ở lầu Ngưng Bích chứ không nơi nào khác". Lại nữa, khung cảnh những cồn cát trải dài đặc trưng ven đường cái quan đoạn qua Đồng Hới được thể hiện chính xác và sinh động trong "Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia"...
Khi làm quan Quảng Bình, sử Nguyễn có nhắc Nguyễn Du thông qua chuyến đi tuần Quảng Bình của Thế tổ Gia Long: "Dụ ký lục Hoàng Văn Diễn và cai bạ Nguyễn Du rằng: "Dùng sức dân, nên dè sẻn. Đắp đất đai sai dân làm thì được, còn xây dựng sảnh thự, nên lấy binh lính mà làm". Bèn hạ lệnh cho Hộ bộ thưởng cho những người ứng dịch".
Tiếc cho giai đoạn Nguyễn Du làm quan ở đây, chưa thấy ai đi sâu nghiên cứu bài bản. Ông Nguyễn Minh, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tố Như (hiện ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nói cần được giải đáp băn khoăn: "Giai đoạn làm quan khá dài, ông cụ tài hoa thế không biết có thê thiếp, để lại hậu duệ, một nhánh dòng họ nhà tôi ở trong đấy hay không?".
Trang vẽ câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng ba” trong bản Kiều cổ phát hiện ở Anh - Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cung cấp
Hiểu đời, thương người tận cùng
Chùa Diệc nằm ngay trung tâm TP Vinh đang được xây dựng với khu chính điện và dãy nhà tăng nhiều tầng đồ sộ. Cạnh bên là chiếc cổng cổ, bên trong là hai tấm bia đá dấu tích chùa xưa chép việc tạo lập. Ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất thành Vinh này chính là nơi tìm thấy bản Nôm Văn tế thập loại chúng sinh bất hủ cụ Nguyễn Tiên Điền.
Học giả Hoàng Xuân Hãn, sau khảo cứu và hiệu đính tình trạng tam sao thất bản, đã thốt lên: "Bản văn tế này hiện ra một áng văn chương hay bậc nhất trong quốc văn". Ngoài kỹ thuật từ chương, vị học giả nhận xét sự thể hiện tình cảm của tác giả vô cùng đậm đà, thấm đẫm trong từng câu thơ, từng cảnh huống khiến độc giả nương theo rung cảm nhiệt thành.
184 câu Nôm song thất lục bát của bản văn đề cập, mời gọi đủ các hạng hồn ma chịu cảnh vất vưởng, oan khuất về nhận lễ cúng, được hưởng phép Phật đạt bề siêu thoát...
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, cho hay Nguyễn Du sau chứng kiến chết chóc do dịch giã, chiến tranh đã làm bản văn tế mà trước đó chưa từng có: "Sau khi xuất hiện, nó trở thành bài văn tế mẫu cho tất cả những người cúng bái ở Việt Nam, đặc biệt là cúng cô hồn, đều theo đó mà dựa vào, đến sau này trở thành tập quán. Ngay cả dịp cúng cô hồn 23 tháng 5 từ sự biến kinh đô thất thủ ở Huế (1885) cũng ảnh hưởng từ đó".
Điều đặc biệt của áng văn chương là những lời lẽ thống thiết, nặng nghĩa nhân tình khóc thương vong hồn không nơi nương tựa của những hạng người bình thường trong xã hội. Áng văn ấy chạm vào những giá trị nhân văn, những tình cảm thẳm sâu rất đặc biệt của người Việt.
Nhà nghiên cứu Phan Đăng nhắc đến trường hợp đặc biệt là cô hồn gái giang hồ cũng được Nguyễn Du đưa vào bản văn. Ông nói: "Cũng có kẻ lỡ làng một tiết/Liều tuổi xuân bán nguyệt buôn hoa/Ngẩn ngơ khi tuổi về già/Ai chồng con nấy biết là cậy ai... Không ai hiểu đời bằng cụ Nguyễn Du, mà đặc biệt ở đây là hiểu người phụ nữ, cả phận làm gái giang hồ, thì đọc Văn tế ai cũng thương".
Nhờ câu thơ Nôm tương truyền thủ bút đại thi hào Nguyễn Du, những món đồ sứ trở nên nổi tiếng, được giới chơi cổ ngoạn sưu tầm bằng sự trân quý đặc biệt.
Kỳ tới: Người xưa thấp thoáng ngàn sau
TTO - Sau đúng 200 năm ngày đại thi hào Nguyễn Du mất (mồng 10 tháng 8 âm lịch năm Canh Thìn, 1820), những hiện vật, cảnh sắc không gian nhiều nơi vẫn như thấp thoáng bóng hình thi nhân tài ba, một đại trí thức mang nặng chữ tình thế nhân...