Lâu nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này đang đặt các doanh nghiệp vào môi trường siêu cạnh tranh. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, mà còn là làn sóng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh nhằm đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
PGS.TS. Dương Thị Liễu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cho biết, mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc. Chính văn hóa tốc độ bắt buộc nhân viên phải có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, điều này khiến quy mô không còn là lợi thế quyết định sức cạnh tranh, mà tốc độ mới giữ vai trò quyết định.
Đồng thời, bà Dương Thị Liễu cho rằng, xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công việc bất kể họ đang ở đâu.
Năm nay, trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty, nên văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PR School và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA
Vì thế, theo ông Thành, trong bối cảnh có nhiều khó khăn vì dịch bệnh, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng của nhiều doanh nghiệp chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI, chuyên gia tư vấn thương hiệu nhìn nhận, văn hóa doanh nghiệp không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày từng giờ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia văn hóa, kinh tế cùng các doanh nghiệp đã thảo luận các nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống khủng hoảng truyền thông bằng văn hóa doanh nghiệp; Đạo đức kinh doanh và vấn đề xây dựng thương hiệu.
Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH MTV My Health.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.185646141900202-hnart-hnac-cus-oac-gnan-gnort-nauq-ot-uey-al-peihgn-hnaod-aoh-nav/nv.zibefac