Nhân viên, kỹ sư làm việc ở một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM đi làm bằng xe buýt. Chỗ cư trú ở gần nơi làm việc cho họ là một tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo - Ảnh: T.T.D.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sau khi hình thành, khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ kết nối 3 chức năng gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Nơi hoạt động sáng tạo
Là đô thị phát triển bậc nhất VN, khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM được hình thành ở khu vực phía đông TP.HCM - Dĩ An (Bình Dương) nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với tổng diện tích khoảng 643ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất cả nước với 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc và 8 đơn vị thành viên.
ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có hơn 69.000 sinh viên đại học chính quy, cùng đội ngũ học giả với hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ.
PGS.TS Lê Tuấn Lộc - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng việc hình thành khu đô thị sáng tạo nhằm phát huy những lợi thế về tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có là đào tạo bậc cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất tiên tiến, trung tâm tài chính và kinh doanh.
Giao thông kết nối thông suốt là điều kiện quan trọng để hình thành khu đô thị hiện đại trong tương lai. Cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đang hoàn thiện, khu đô thị trở thành khu vực hạt nhân sáng tạo, liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng.
"Khu đô thị hứa hẹn sẽ tạo ra không gian sống và làm việc tốt, thu hút nhân tài, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao là công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi đầu tư lớn về nguồn tài lực và nhân lực" - ông Lộc nhận định.
Ý tưởng tích hợp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một khu sáng tạo được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng cuối năm 2017. Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn các nước cho thấy khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
"Sàn" chuyển giao công nghệ "3 nhà"
Theo đề xuất quy hoạch lại, khu phường Linh Trung (Thủ Đức) sẽ được kết nối thuận tiện với khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, hướng tới trở thành trung tâm công nghệ giáo dục và Khu công nghệ cao TP.HCM (Trung tâm Sản xuất tự động).
Dự kiến điều chỉnh cục bộ 4 ô phố thuộc phường Linh Trung với tổng diện tích khoảng 28ha. Ngay sau khi TP.HCM có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo cách đây gần 2 năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đã giao cho Khu công nghệ phần mềm (ITP) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM làm đầu mối công việc và hình thành một nhóm nghiên cứu về đô thị sáng tạo phía Đông.
TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc ITP - nhận định: "Việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương, ý tưởng quy hoạch, phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, tạo thuận lợi để kêu gọi đầu tư các dự án. Sau điều chỉnh, khu vực này có chức năng kết nối, hỗ trợ cho 2 khu vực trung tâm của khu đô thị sáng tạo tương tác cao, có thể hình thành một trung tâm đổi mới và hỗ trợ khởi nghiệp".
ITP được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến xây dựng ITP thành trung tâm của khởi nghiệp và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại VN.
Đơn vị này được Chính phủ, ĐH Quốc gia TP.HCM ủy thác thực hiện nhiệm vụ: xây dựng môi trường công nghiệp trong lòng đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển thành một trung tâm phát triển công nghệ mạnh…
"Gắn kết và phục vụ cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi mà ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng. ĐH Quốc gia TP.HCM luôn là trung tâm thử nghiệm các mô hình phát triển, cải cách giáo dục, công nghệ mới, sẵn sàng là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đầy tính tương tác cao của TP.HCM.
Chức năng hỗ trợ khởi nghiệp của ITP khác biệt với đơn vị khác là "vườn ươm khởi nghiệp" nằm trong môi trường đại học. Đây không phải là "ốc đảo" chơi vơi mà dựa trên nền tảng con người, nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng của đại học.
Lợi thế của ITP là có nguồn nhân lực dồi dào, đã có nhiều công ty khởi nghiệp triệu đô của giảng viên các trường đại học, cựu sinh viên và cả sinh viên" - ông Vũ chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết mô hình "3 nhà" được TP.HCM lựa chọn xây dựng trên mô hình sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.
Với vị trí trọng tâm của vùng tứ giác kinh tế hàng đầu VN (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối thông suốt, ĐH Quốc gia TP.HCM thích hợp là một "sàn" chuyển giao công nghệ "3 nhà".
"ĐH Quốc gia TP.HCM là một nhân tố chính trong cấu trúc "3 nhà" của khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là nơi cung cấp và sở hữu giới trí thức chính của thành phố.
ĐH Quốc gia TP.HCM luôn duy trì sự thu hút và hỗ trợ một hệ thống giáo dục tài năng, cung cấp thông tin và xây dựng sự phát triển của ngành công nghiệp thông qua các nghiên cứu và cung cấp ý tưởng mới…
Nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao của chúng tôi sẽ đảm đương vai trò chính trong việc đảm bảo với thành phố là khu đô thị sáng tạo tương tác cao" - ông Quân nhấn mạnh.
TTO - Ngày 28-7, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch hành động, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị để xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.
Xem thêm: mth.19453440241900202-mchpt-gnod-aihp-oat-gnas-iht-od-uhk-o-ig-oc/nv.ertiout