Ủy ban gồm 3 chuyên gia thương mại của WTO ngày 15/9 xác định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ các quy định thương mại quốc tế khi áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018.
Theo Bloomberg, Washington đã áp đặt thuế suất bổ sung đối với hơn 550 tỷ USD các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chuyên gia WTO nêu trong báo cáo rằng Mỹ "đã không đáp ứng được yêu cầu chứng minh rằng các biện pháp [thuế quan] là hợp lý".
Phán quyết mới của WTO được xem là một bước lùi của ông Trump và làm xói mòn nỗ lực gia tăng sức ép lên Bắc Kinh bằng thương chiến. Dù phán quyết có lợi cho Bắc Kinh, song Washington có có thể phủ quyết bằng cách đệ đơn kháng cáo trong vòng 60 ngày tiếp theo.
Ngay sau thông tin về quyết định của WTO, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng "bày tỏ ca ngợi phán quyết khách quan, công bằng của nhóm chuyên gia WTO".
"Việc Trung Quốc đưa các hành động chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời thể hiện Trung Quốc tôn trọng các quy tắc của WTO, cũng như quyết tâm gìn giữ tính thẩm quyền của thể chế thương mại đa phương," Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc.
Vụ Trung Quốc kiện Mỹ ra WTO chủ yếu xoay quanh việc chính quyền Trump áp hàng rào thuế quan lên Trung Quốc theo Mục 301 của Luật Thương mại 1974 nhằm đơn phương phát động thương chiến nhằm vào Trung Quốc.
Bắc Kinh cáo buộc thuế quan của Mỹ vi phạm quy định của WTO khi không có sự đối đãi tương đương đối với toàn bộ thành viên của tổ chức này. Trung Quốc cũng cáo buộc các thuế quan đã vi phạm quy tắc giải quyết tranh chấp quan trọng, theo đó yêu cầu các nước trước hết phải tìm kiếm hỗ trợ từ WTO trước khi áp đặt biện pháp trả đũa với nước khác.
Theo Mục 301 Luật Thương mại Mỹ năm 1974, Tổng thống được trao quyền áp thuế quan cùng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khi nước khác thực thi các biện pháp thương mại không công bằng, làm ảnh hưởng đến thương mại Mỹ. Chính quyền Trump tuyên bố thuế quan là giải pháp cần thiết để chống lại việc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và tiến hành chính sách cưỡng bức doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
Mặc dù việc kích hoạt Mục 301 từng có tiền lệ, song điều khoản này hầu như không còn được vận dụng từ thập niên 1990, sau khi Washington đồng ý tuân thủ quy trình xử lý tranh chấp của WTO trước khi tiến hành trả đũa.
Hải Võ
Tri thức trẻ