Nhà nghiên cứu Lê Nghị trình bày nghiên cứu mới về Truyện Kiều ở hội thảo - Ảnh NVCC
Truyện Kiều có trước Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử Việt Nam, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc chỉ là sản phẩm ăn theo, tên tác giả cũng là tự đặt.
Nhà nghiên cứu LÊ NGHỊ
Nhà nghiên cứu Lê Nghị mở đầu bản tham luận Nguồn gốc Truyện Kiều, tại Hội thảo Minh họa Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vừa tổ chức làm cả khán phòng ngỡ ngàng...
Truyện Kiều là gốc
Sách vở xưa nay, hầu hết đều cho rằng Nguyễn Du đã mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc để viết Truyện Kiều. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Nghị khẳng định: "Thanh Tâm Tài Tử hay Thanh Tâm Tài Nhân cũng đều ở Việt Nam cả".
Theo ông, sau khi qua đời Nguyễn Du để lại Đoạn trường tân thanh, vì nhan đề nhạy cảm với vương triều nên Minh Mạng đổi thành Kim Vân Kiều truyện.
Điều này thể hiện trên bản Kiều cổ ký hiệu B60 (đang lưu ở Thư viện Khoa học xã hội - thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Viễn Đông bác cổ xưa): "Minh Mạng ngự lãm tứ cải danh Đoạn trường tân thanh (thành) Kim Vân Kiều truyện".
Đồng thời Minh Mạng chỉ đạo các văn thần, gọi tên chung là Thanh Tâm Tài Tử soạn một cuốn bình giảng thơ Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du. Cuốn bình giảng đầu tiên là Kim Vân Kiều lục.
Như vậy hai cụm từ Kim Vân Kiều truyện và Thanh Tâm Tài Tử có từ thời Minh Mạng 1830, tại văn bản Thanh Tâm Tài Tử cổ kim Minh lương đề tập biên. Thánh tổ Nhân hoàng đế (thường gọi vua Minh Mạng - NV) ngự chế tổng thuyết thường tập (ký hiệu VNv.240).
Văn bản này giải quyết vấn đề mấu chốt rằng cụm từ Thanh Tâm Tài Tử, chữ "tử" không phải viết nhầm chữ "nhân" trong bút danh Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện sau năm 1902.
Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho rằng, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du có nhiều nội dung phản ánh xã hội thối nát kèm nhiều điều không phù hợp với triều đình đương thời, kể cả tiêu đề.
Nhưng văn chương hay quá, không thể bỏ qua nên nhà vua mới ra lệnh soạn sách giảng theo các hướng trung, hiếu và trinh. Nhóm Thanh Tâm Tài Tử đã "diễn" lại Đoạn trường tân thanh từ thể thơ lục bát chữ Nôm thành văn xuôi chữ Hán, đặt nhan đề Kim Vân Kiều lục.
Những người đời sau đã dùng bản này kết hợp một số tác phẩm tuồng, chèo, viết nên Kim Vân Kiều truyện, lấy tác giả là Thanh Tâm Tài Tử, và in vài lần trong thế kỷ 19.
Đến nay, ở Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Viễn Đông bác cổ xưa) vẫn còn lưu bản chữ Hán chép tay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử, số hiệu A953, niên đại được xác định từ 1910-1914.
Cũng trong nước năm 1924, sách Kim Vân Kiều truyện (1 quyển) của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân lần đầu xuất hiện.
Theo nhà nghiên cứu Lê Nghị, tên tác giả mới này xuất phát từ năm 1898, cụ Đào Nguyên Phổ khi đang học Trường Quốc Tử Giám, được một người họ ngoại nhà vua đến bảo có "Truyện Thanh Tâm Tài Nhân".
Cụ Đào Nguyên Phổ chính là người giao một bản Kim Vân Kiều truyện cho Kiều Oánh Mậu để in ở Hà Nội năm 1902; trong sách in sau đó có xuất hiện cái tên Thanh Tâm Tài Nhân.
Đến năm 1941, học giả Dương Quảng Hàm đã dùng Kim Vân Kiều truyện (4 quyển, quyển đầu mất 21 trang và quyển cuối chỉ còn 24 trang) làm nên Kim Vân Kiều truyện, cũng đặt tác giả Thanh Tâm Tài Nhân...
Tranh vẽ câu thơ "Trăm năm trong cõi người ta" trong bản Kiều cổ ở Anh - Ảnh NXH cung cấp
Thanh Tâm Tài Nhân mơ hồ ở Trung Quốc
Trong khi đó, ở Trung Quốc, cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, bản Đại Liên, được in lần đầu vào tháng 10-1983, do Lý Trí Trung hiệu điểm.
Còn trước đó, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ được ghi trong danh mục sách Văn học Trung Hoa từ năm 1926, nhưng không thấy địa chỉ tiểu thuyết dẫn được. Còn tên gọi Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc không thấy ghi trên một cuốn sách nào.
"Bút danh Thanh Tâm Tài Nhân này lần lượt gán cho nhiều tác giả thời Minh đến giữa Thanh nửa đầu thế kỷ XVI như Từ Vị, Kim Thánh Thán, Trương Chiêu, Trương Quân, Từ Chấn... Hiện nay gán cho một bút danh khác cũng không rõ nhân thân là Thiên Hoa tàng chủ nhân, nhưng không một bút tích ghi nhận, phê bình, bài thơ nào của ai khác nhắc tới bút danh mặc định 72 tuổi này" - nhà nghiên cứu Lê Nghị phân tích.
Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho biết ngay cả một số học giả Trung Quốc cũng xác nhận: từ trước những năm 1980, tất cả các bộ sách, giáo trình về lịch sử Trung Quốc, bao gồm cả Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn đều không đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Theo ông: "Đến năm 1957, giáo sư từ Trung Quốc sang Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội giúp sắp xếp lại tư liệu, thấy bản Kim Vân Kiều truyện được giới thiệu cốt truyện có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông khẳng định là Trung Quốc không có tác giả Thanh Tâm Tài Nhân nào cả. Ngay cả Lý Trí Trung, người hiệu đính cuốn Kim Vân Kiều truyện - Thanh Tâm Tài Nhân năm 1983, cũng mơ hồ về nguồn gốc".
Khi so sánh sách này với cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử ở Việt Nam (bản A953), nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho rằng nó giống nhau khoảng 99%.
Chỉ có một vài khác biệt nhỏ, do bản người Việt dùng chữ Hán phồn thể theo lối văn ngôn. Còn bản Trung Quốc chữ Hán giản thể, theo lối tiểu thuyết chương hồi, văn phong bạch thoại.
Hiểu Kiều theo cách người Việt
Theo nhà nghiên cứu Lê Nghị, khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ mượn chất liệu Minh sử và vở kịch Hổ Phách Chủy để viết tổng cộng 187 câu, chiếm 5,7% so trong 3.254 câu; trong đó có 65 câu đúng theo chính sử, còn lại là nửa chính sử nửa hư cấu. Số 94,3% còn lại là do Nguyễn Du hư cấu và sáng tác nên.
Nguyễn Du mượn 3 nhân vật trong vở kịch là Hồ Tôn Hiến, Từ Hải và Vương Thúy Kiều (Mã Kiều). Còn tất cả các nhân vật khác Nguyễn Du đều hư cấu nên để viết, và toàn bộ đều mang tâm hồn, tính cách của người Việt.
Từ những điều trên, theo nhà nghiên cứu Lê Nghị, sách giáo khoa cần rút định đề Truyện Kiều dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc.
Thay vào đó, cần thiết tăng cường bối cảnh lịch sử đương thời và tác giả tạo nên tác phẩm; phân tích tính cách, tâm hồn Việt của nhân vật với cách nhìn của người Việt đối với Thúy Kiều, đối với Hoạn Thư, đối với Từ Hải...
Do đó, cần dựa vào 3 tiêu chí: trung thực, dân tộc và nhân văn để chú giải Truyện Kiều theo tri thức và văn hóa của người Việt. Ông đơn cử: chữ trăm năm từng được chú giải bách niên theo tiếng Hán.
Trong khi, trong Truyện Kiều nhiều trường hợp "trăm năm không dính líu đến bách niên", mà là xưa nay (Trăm năm trong cõi người ta), hôn nhân (Trăm năm biết có duyên gì hay không), đời người (Trăm năm một nấm cỏ khô xanh rì)...
Còn bể dâu từng chú giải kèm dẫn chứng Dĩ kiến Đông hải tam vi tang điền. Theo ông, nó vừa thừa, vừa lệch nghĩa: "đã từng thấy 3 lần biển Đông biến thành ruộng dâu là lối thậm xưng của người Trung Hoa".
Trong khi với người Việt gọi bể dâu là tang thương, là một sự biến đổi từ tốt đến xấu. "Lẽ ra nên dẫn câu rất hay: Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này trong Cung oán ngâm khúc để thêm kiến thức và khơi gợi sự tìm đọc tác phẩm có câu thơ hay. Phải làm sao cho học sinh hiểu, áp dụng được, mới có lợi cho dân tộc" - nhà nghiên cứu Lê Nghị chia sẻ.
Trước công trình nghiên cứu và quan điểm mới trên, một số nhà nghiên cứu như ông Trần Đình Sơn cho rằng đó cũng là một hướng nghiên cứu thú vị.
Tất nhiên, sẽ còn cần thêm nhiều nghiên cứu khác về xuất phát Truyện Kiều để tường minh hơn về đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm đã đi vào lòng muôn đời người Việt...
TTO - Cuộc đoàn viên trong "Truyện Kiều" xưa nay từng được mổ xẻ; nhiều người cho rằng kết thúc không có hậu. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng duyên nghiệp tạo nên kết thúc đau khổ như thế.
Xem thêm: mth.22810710261900202-ueik-neyurt-ial-am-iaig-uht-iouc-yk-uhn-ot-ohn-eht-uah-man-002/nv.ertiout