Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) - tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc trung học - Ảnh: Nguồn Bộ GD-ĐT
Giáo viên thấy khó kiểm soát chất lượng
Trao đổi tại hội nghị, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng GD trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cho biết một số giáo viên vẫn quen với hình thức kiểm tra học sinh trước đây để đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh.
Vì thế khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới đánh giá học sinh, giáo viên lúng túng khi số đầu điểm kiểm tra giảm, nhiều hình thức kiểm tra khác với truyền thống như đánh giá qua dự án học tập, qua sản phẩm học tập, vấn đáp, nhận xét trong quá trình dạy học…
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng nêu vấn đề cần có hướng dẫn kỹ hơn tới từng giáo viên thì mới có thể thực hiện đúng tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.
"Hiểu bài kiểm tra giữa kỳ là tích hợp nhiều bài kiểm tra 1 tiết trước đây thì có đúng không? Nếu như vậy thì việc ra đề, chấm điểm với các hình thức kiểm tra khác nhau như thế nào? Nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng vì việc đánh giá không chỉ nhằm cho điểm, ghi học bạ học sinh mà còn là thước đo để kiểm soát chất lượng, điều chỉnh cách dạy học" - ý kiến của đại diện một sở GD-ĐT chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề hội nghị.
Theo ông Sái Công Hồng - phó vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT), điểm rất mới về kiểm tra đánh giá học sinh trung học là đề kiểm tra định kỳ phải xây dựng theo ma trận được Bộ GD-ĐT quy định để đánh giá được năng lực, phẩm chất người học chứ không phải kiểm tra kiến thức đơn thuần. Chính vì thế không phải ghép cơ học "nhiều bài kiểm tra 1 tiết thành bài kiểm tra giữa kỳ" mà là thay đổi ở hình thức đánh giá.
"Chỉ có 1 đầu điểm kiểm tra giữa kỳ, 1 đầu điểm cuối kỳ thôi nên hoặc giáo viên cho học sinh làm bài kiểm tra viết, hoặc lấy điểm thực hành, thí nghiệm, dự án học tập chứ không bắt học sinh làm tất cả các hình thức nêu trong thông tư" - ông Sái Công Hồng trao đổi.
Thay đổi đánh giá, thi cử thế nào?
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học của bậc trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức, một số ý kiến cũng đề nghi Bộ GD-ĐT cần công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm tới sớm hơn, để tránh cập rập trong khâu chuẩn bị và cần có thời gian để các nhà trường có thể điều chỉnh cách dạy học ôn tập cho học sinh.
Một số ý kiến của các sở GD-ĐT cũng nêu vấn đề bộ thay đổi cách đánh giá học sinh trung học, điều này có tương thích với điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT không? Vì dạy học, đánh giá một cách, thi một cách sẽ khó khăn cho các nhà trường, cho học sinh.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) - cho biết việc quy định thi tốt nghiệp THPT là cách lựa chọn hình thức thi.
Còn việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh trong quá trịnh học tập là điều chỉnh về nội dung.
Việc kiểm tra đánh giá học sinh trong quá trình dạy học sẽ dựa vào yêu cầu cần đạt của mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Khi học sinh đạt yêu cầu đó thì sẽ có đủ điều kiện về kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của nội dung đề thi.
Những điểm mới sẽ triển khai ở bậc trung học trong năm học mới
Đổi mới cách quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, tạo điều kiện cho các trường linh hoạt áp dụng các hình thức giáo dục, phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ trên xuống. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tiếp tục tinh giản hồ sơ, sổ sách nhà trường, tăng cường ứng dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, siết chặt quản lý các xuất bản phẩm tham khảo đưa vào nhà trường.
Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Trên cơ sở chương trình (đã tinh giản) của Bộ GD-ĐT thực hiện thống nhất trên toàn quốc, các nhà trường bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bằng cách sắp xếp các bài học theo chủ đề phù hợp, trong đó có các chủ đề tích hợp liên môn, các bài học thực hành, thí nghiệm vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề cuộc sống, các hoạt động trải nghiệm…
Đổi mới phương pháp dạy học: Tạo điều kiện để giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Trong đó đẩy mạnh giáo dục STEM tùy theo mức độ tương ứng với điều kiện giáo dục của mỗi nhà trường. Dự kiến tháng 10-2020, Bộ GD-ĐT sẽ công bố 10 mô hình giáo dục STEM để các nhà trường tham khảo, học tập.
Thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT theo quy định mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức đánh giá thường xuyên, giảm đầu điểm, áp dụng kiểm tra định kỳ bằng bài kiểm tra theo ma trận do Bộ GD-ĐT quy định hoặc bằng dự án học tập
Nâng cao chất lượng dạy học qua Internet và truyền hình: Chỉ đạo các nhà trường triển khai cho giáo viên xây dựng các bài học qua Internet, giao nhiệm vụ cho học sinh các hoạt động phù hợp với môi trường mạng, ưu tiên nội dung để học sinh tự học, tự nghiên cứu.
Chuẩn bị các điều kiện dạy học trên truyền hình theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục, hướng dẫn và quản lý học sinh học qua truyền hình để có thể kết hợp giữa dạy học qua truyền hình và dạy học trực tiếp.
Chuẩn bị đổi mới chương trình - SGK mới: Tổ chức lựa chọn SGK lớp 6, 7, 10; Chuẩn hóa đủ đội ngũ giáo viên, rà soát bổ sung giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục của chương trình mới. Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải lên danh sách giáo viên dạy lớp 6 của năm học tới để có kế hoạch tập huấn chương trình, tập huấn sử dụng SGK mới.
TTO - Từ 11 loại sổ sách, giáo viên sẽ chỉ còn bắt buộc có 4 loại. Học sinh được dùng điện thoại trong lớp học. Đây là điểm mới được quy định trong Thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học.