Theo Bộ TT&TT, thời gian gần đây đã tái diễn hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ, KOL và influencer (người có ảnh hưởng trên mạng) có lượng theo dõi cao tham gia quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng. Đáng chú ý, đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi. Do đó, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát hiện và cảnh báo, đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ VHTT&DL cùng phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này.
Liên quan đến hình thức xử phạt đối với những người nổi tiếng có phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội (MXH), Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTT&TTĐT) Lê Quang Tự Do cho biết, hiện tại mức phạt vi phạm hành chính cho hành vi này từ 5 - 10 triệu đồng. Các Sở TT&TT thường lựa chọn mức xử phạt 7,5 triệu đồng. Đây không phải là số tiền lớn đối với những người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL, do đó mức xử phạt này còn thấp, chưa đủ sức răn đe. "Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khó có mức xử phạt đủ sức răn đe vì nhiều trường hợp nghệ sĩ có mức thu nhập hàng tỷ đồng thì mức xử phạt trăm triệu cũng chưa đủ sức răn đe", ông Tự Do nhận định.
Để ngăn chặn việc phát ngôn lệch chuẩn trên MXH, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều biện pháp. Hiện Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về sử dụng MXH. Dự kiến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, Bộ TT&TT sẽ ban hành các quy định xử phạt hành chính, trong đó có nội dung tăng mức phạt tiền và xử phạt bổ sung hành vi phát ngôn lệch chuẩn, quảng cáo bán hàng sai sự thật trên MXH. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng quy định hạn chế hình ảnh đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi này trên sóng truyền hình và các phương tiện biểu diễn, phương tiện thông tin đại chúng nhằm bảo đảm mức răn đe cao hơn.
Theo Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT, một số trường hợp vi phạm không thể xác định được đối tượng do danh tính giả, cũng như nơi sinh sống không ở Việt Nam. Do đó, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ bổ sung quy định xác thực danh tính người dùng MXH bằng số điện thoại để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần sự phối hợp và vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan trong việc thẩm định được chất lượng sản phẩm hàng hóa, bởi Bộ TT&TT không đủ sức xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên MXH nếu không có sự phối hợp của các bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường... Ông Lê Quang Tự Do cũng đề nghị phóng viên gửi thông tin về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo về Cục PTTT&TTĐT thông tin trên kênh thông tin xử lý tin giả để cảnh báo người dân.
Đề xuất siết quảng cáo của người nổi tiếng trên MXH
Bộ VHTT&DL vừa đề xuất bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của cá nhân sử dụng MXH có 500.000 người theo dõi, đăng ký. Theo Bộ VHTT&DL, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ, nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của phương tiện quảng cáo, đặc biệt là MXH để truyền tải nội dung sai sự thật, giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, do đó, người nổi tiếng chưa chịu chế tài hoặc ràng buộc khi chuyển tải quảng cáo không đúng sự thật.
Để có hình thức xử lý cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ VHTT&DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Cụ thể, bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 36, Luật Quảng cáo như sau: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản MXH trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000. Hoạt động quảng cáo của người tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản và có sự đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên MXH, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.