Các công dân nhí từ Hàn Quốc được về đến sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: NHƯ TÙNG
Dưới mặt đất, vợ chồng anh Hoàng Văn Lâm và chị Trần Quỳnh Trang cùng nhiều ông bố, bà mẹ khác lo lắng nhìn theo máy bay khuất dần vào mây.
Không có cha mẹ đi cùng
Trên máy bay, cháu Hoàng Thiên Kim (tên ở nhà là Tít, 7 tháng tuổi), con gái của anh Lâm và chị Trang, được chị Nguyễn Thị Út (quê Cà Mau, vừa hết hạn hợp đồng lao động về nước) trông giùm. Bốn tiếng đồng hồ sau, tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), chị Út vui mừng trao cháu bé lại cho bà ngoại Lê Thị Hồng vừa từ quê nhà Quảng Bình vào đón cháu.
"Khi máy bay cất cánh, do tiếng động cơ lớn nên bé có khóc, nhưng nhờ tôi có kinh nghiệm dỗ trẻ nhỏ, cộng với sự hỗ trợ của tổ tiếp viên, bé từ từ bình tĩnh lại nên dễ chăm sóc hơn" - chị Út kể.
Từ Hàn Quốc nói chuyện với chúng tôi, anh Lâm cho biết đã không còn lo lắng khi thấy hình ảnh (qua điện thoại) bé Tít trong vòng tay bà ngoại.
"Tôi và vợ đều đi xuất khẩu lao động bên này, cưới nhau rồi sinh con. Khi dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống nhiều thứ đảo lộn, không có thời gian chăm sóc cháu, nên phải tìm cách gửi con về nước. Rất thương nhớ con nhưng không còn cách nào khác, vì vợ chồng tôi còn hạn hợp đồng. Điều kiện ở nhà cũng không dư dả gì nên chúng tôi cố gắng làm việc kiếm tiền, gửi về cho bố mẹ nuôi con" - anh Lâm chia sẻ.
Anh kể chuyện đưa con về nước cũng lắm gian nan, khi các cặp vợ chồng trẻ phải chuẩn bị đủ loại giấy tờ như giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, giấy ủy quyền... và khó nhất là kiếm người trông cháu trên chuyến bay. Vợ chồng anh Lâm phải đến Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc nhiều lần, liên hệ với những người hết hạn hợp đồng, những du học sinh để tìm người giúp.
May mắn thay, với tình cảm người Việt dành cho nhau nơi đất khách nên nhiều người sẵn lòng nhận trông hộ các cháu bé trên chuyến bay về nước.
"Trước ngày đưa con ra sân bay, vợ chồng tôi xếp từng bộ quần áo, hộp sữa, cả những món đồ chơi của con vào trong vali. Vậy mà cứ mở ra đóng lại rồi đếm đi đếm lại mấy món đồ vì sợ thiếu. Nghĩ đến cảnh con sắp bay một mình, lòng lại như lửa đốt. Nhưng đến giờ thấy bà ngoại bế cháu tại sân bay ở nước mình là tôi yên tâm rồi" - anh Lâm xúc động.
Các “vú nuôi” là chiến sĩ tận tay pha sữa cho các bé - Ảnh: MINH CHIẾN
14 ngày "đi lính"
Buổi sáng ở Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (trung đoàn 974, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa) tại TP Nha Trang bỗng rộn vang tiếng nói cười bi bô của những "công dân nhí".
"Tít ngoan, ráng ăn hết bát cháo này bà thương nhé! - không giấu được niềm vui hiện rõ qua ánh mắt, bà Hồng vừa dỗ dành cháu ngoại vừa khoe niềm hạnh phúc khi lần đầu bà cháu được gặp nhau ngoài đời lại trong hoàn cảnh rất đặc biệt - Vậy là cả hai bà cháu tôi đang đi bộ đội".
Phục vụ những "công dân nhí", khu cách ly người trở về từ Hàn Quốc đã bố trí 4 phòng gần nhau, mỗi phòng có hơn 10 chiếc giường tầng, nhưng các bé đều được nghỉ ở dưới để tiện chăm sóc. Các phòng đều được sắp xếp gọn gàng, có đầy đủ ấm siêu tốc, xô, chậu, khăn ướt... và có cả khu phơi đồ cho các cháu.
Tại đây, mạng Internet được duy trì rất tốt để cha mẹ các bé gọi về hỏi thăm cho vơi bớt nỗi nhớ con. Nhìn qua, rất dễ nhầm các căn phòng này với phòng giữ trẻ bình thường nếu trên cánh cửa mỗi phòng không ghi nội quy cách ly tập trung.
Bên cạnh hai bà cháu bà Hồng, cậu bé Gia Huy (10 tháng tuổi) chập chững tập đi trong sự khích lệ của mọi người ở phòng B6. Gương mặt bụ bẫm, ngây thơ cùng tiếng cười vang sau mỗi bước đi mang đến không khí tươi vui ở đây. Chị Trần Thị Hồng Nhung (quê Hà Tĩnh), cô ruột bé Gia Huy, kể lúc đầu mới vào khu cách ly do lạ chỗ ở lại lệch múi giờ khiến bé khóc suốt nhưng giờ bé đã dạn dĩ hơn, quen dần với khu cách ly.
Tại đây, các bé được đo thân nhiệt 2 lần/ngày, được lên thời gian biểu về các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ. "Vào đây là phải ngoan, đi lính mà. Gia Huy vào đây mấy hôm mà đã tự xúc cháo ăn rồi đấy các chú ạ, không còn khóc nhè như trước. Cảm ơn các anh bộ đội ở đây lắm!" - chị Nhung cảm kích.
Trung tá Nguyễn Ánh Dương - phó trung đoàn trưởng trung đoàn 974, chỉ huy khu cách ly - cho biết vì các cháu còn quá nhỏ, không thể tự bảo vệ mình trước dịch bệnh nên việc giám sát, theo dõi sức khỏe các bé được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Thực đơn hằng ngày của các bé đều được tính toán kỹ lưỡng và thay đổi liên tục để đảm bảo dinh dưỡng, không bị ngán. Ngoài ra, đội ngũ trực ban, trực nhật khi báo thức và giờ đi ngủ phải đến từng phòng thông báo chứ không thổi còi hay đánh kẻng như trước, tránh để các cháu giật mình.
Thiếu úy Đặng Thanh Tịnh đo nhiệt độ cho các bé - Ảnh: MINH CHIẾN
Làm "vú nuôi" bất đắc dĩ
Cứ đúng 5h sáng, khi mọi người trong khu cách ly vẫn còn say giấc, những chiến sĩ lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ. Nhẹ nhàng đến từng giường các bé, các anh đo nhiệt độ rồi ghi chép vào sổ theo dõi sức khỏe. Sau đó là các công việc như đun nước, kiểm tra nội vụ... để đồ ăn cho mọi người và các bé đều chuẩn bị xong trước khi trời sáng.
Các cán bộ, chiến sĩ vừa giúp chăm sóc các bé, vừa phải hỗ trợ người thân theo chăm sóc các cháu, lại quan tâm thêm cả những công dân cách ly trở về từ Nhật Bản, Thái Lan với gần 400 người. Từ việc pha sữa, khuấy bột, đút cháo của một "vú nuôi" đến việc lắp quạt, thay ống nước, sửa điện, các anh còn kiêm luôn "chuyên gia tâm lý" khi an ủi, động viên người cách ly tại đây.
Nhìn thiếu úy Đặng Thanh Tịnh pha từng chai sữa một cách chuyên nghiệp, ít ai biết rằng trước đó chàng sĩ quan trẻ nhất khu cách ly đã từng lóng ngóng tay chân khi không biết pha lượng sữa bao nhiêu mới đủ vì anh chưa từng làm cha. Vậy mà chỉ qua mấy ngày, việc lo sữa, lo cháo cho các cháu đã quá quen thuộc với anh.
"Mỗi lần tới phòng cách ly trẻ nhỏ là các em cứ đòi ôm vai, ôm cổ làm tôi vui lắm. Anh em thường mang những chiếc máy bay, tàu thuyền, chong chóng... gấp bằng giấy để làm đồ chơi cho các bé vui" - thiếu úy Tịnh cười hồn nhiên.
"Để sau này lớn lên các cháu biết"
Bế cháu trên tay, bà Lê Thị Liên (trú tại Quảng Bình) nhờ chúng tôi chụp lại tấm ảnh để làm kỷ niệm. "Không phải đứa trẻ nào cũng có cơ hội bay về nước một mình rồi lại vào đây đâu. Tôi muốn có nhiều hình để sau này lớn lên các cháu biết thế giới từng có một đại dịch. Mà để trốn dịch bệnh, cháu tôi được Chính phủ lo cho bay từ nước ngoài về đây và được nuôi dưỡng trong những ngày cách ly ở khu quân sự này" - bà Liên nói.
TTO - Ngoài 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines (trước là Jetstar Pacific) vừa thông báo sẽ chính thức tham gia vào nhiệm vụ đưa công dân Việt Nam hồi hương trong thời gian tới.
Xem thêm: mth.12380449091900202-nah-ux-ut-ev-yab-ybab-gnuhn/nv.ertiout