Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam sau 20 năm xuất khẩu
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – “Nếu không có sự đổi mới, chúng ta bằng lòng với sản phẩm (cá tra) hiện tai, thì xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường, nhưng chúng ta sẽ không thể tăng trường được mặt hàng này”, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh tại cuộc hội nghị ngày 19-9 diễn ra ở Cần Thơ.
Năm nay con cá tra "bơi" khó khăn
Cần có thương hiệu cho cá tra Việt Nam sau khoảng 20 năm xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh |
Tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản” diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, bà Tô Tường Lan của VASEP cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam. “Ở đây, chúng tôi có yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần dành sự quan tâm để xây dựng thương hiệu của cá tra”, bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, Việt Nam đã có khoảng 20 năm xuất khẩu cá tra và nếu không có sự đổi mới sản phẩm, cá tra Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường, nhưng sẽ không thể tăng trưởng được. “Nếu không có sự đổi mới, chúng ta bằng lòng với sản phẩm (cá tra) hiện tại, thì xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường, nhưng sẽ không thể tăng trường được mặt hàng này”, bà nhấn mạnh và đề nghị phải xây dựng chiến lược thương hiệu cho con cá tra.
Dẫn chứng câu chuyện cá Alaska Pollock (dạng cá thịt trắng như cá tra Việt Nam - PV) được xây dựng thương hiệu là sản phẩm từ thiên nhiên, cá thịt trắng tốt nhất trên thế giới, bà Lan nêu vấn đề: "Liệu chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu để tạo được sự khác biệt đối với sản phẩm này (cá tra) hay không?” và “Đối với thị trường Việt Nam, có thể xây dựng cá tra với chất lượng tuyệt hảo hay không?”.
Để xây dựng thương hiệu, theo vị đại diện của VASEP, chắc chắn phải có chiến lược chất lượng quốc gia cho sản phẩm cá tra. “Chúng tôi rất mong Nafiqad (Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho một dòng sản phẩm cá tra riêng biệt so với các dòng sản phẩm thông thường hiện nay”, bà Lan cho biết và nói rằng, cần phải thúc đẩy tiêu thụ nội địa và từ tiêu thụ nội địa nó sẽ thúc đẩy cho phát triển về xuất khẩu.
“Muốn vậy, chúng ta phải làm được chất lượng tốt để người dân ăn được sản phẩm tốt, từ đó, truyền tải được thông điệp sự yêu thương của sản phẩm này ra thế giới”, bà Lan cho biết.
Trước đó, tại hội nghị này, báo cáo của VASEP cho thấy, tính đến ngày 15-8-2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 849 triệu đô la Mỹ, giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm liên tục từ đầu năm đến ngày 15-8-2020.
Theo Hiệp hội, trong các nhóm hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, cá tra giảm sâu nhất với gần 30%, trong khi cá ngừ giảm 15,4% và tôm tăng 8,5%.
Cụ thể, tính đến ngày 15-8-2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt gần 385 triệu đô la Mỹ, giảm 15,4%.
Tính chung, đến ngày 15-8-2020, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt gần 4,77 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xem thêm: lmth.uahk-taux-man-02-uas-man-teiv-art-ac-ueih-gnouht-gnud-yax/444803/nv.semitnogiaseht.www