“Bộ đã nhận tài liệu này từ nguồn nào, ai là người nhận, đoàn công tác gồm những ai, thu thập bằng phương pháp nào?”, đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi trước tòa.
Chiều 27/9, đại diện VKSND TP.HCM đã bắt đầu phần tranh luận lại ý kiến bào chữa của các luật sư cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Trong những ngày xét xử trước đó, doanh nhân Ngô Nhật Phương đã có ý kiến trước HĐXX rằng lô thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals (Ấn Độ) và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Các văn bản của Bộ Y tế được giải mật cũng cho thấy trong năm 2017 đoàn công tác của Bộ đã sang làm việc với Cơ quan quản lý dược của bang Himachal Pradesh (Ấn Độ) để xác minh về lô thuốc. Kết quả cho thấy thuốc H-Capita đạt các chỉ tiêu về chất lượng lúc xuất xưởng.
Ngày 27/9, khi phiên tòa đang diễn ra, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường tiếp tục ký công văn hỏa tốc gửi HĐXX, khẳng định H-Capita là thuốc kém chất lượng, và việc VKS cho rằng đây là thuốc giả mà không căn cứ vào tài liệu Bộ Y tế đã cung cấp cho cơ quan điều tra, quá trình tranh tụng tại tòa và tài liệu của phía Ấn Độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý chuyên môn của ngành Dược và gây hoang mang cho người dân.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM (VKS) – bà Nguyễn Quỳnh Lan giữ quyền công tố tại tòa đã bác bỏ những lập luận này.
Vị đại diện VKS phân tích nội dung công văn: Từ 13-17/11/2017, đoàn công tác của Bộ Y tế đang đi kiểm tra một công ty sản xuất vắc-xin tại Ấn Độ đã kết hợp đến bang Himachal để xác minh nguồn gốc lô thuốc H-Capita. Chỉ trong 4 ngày nói trên, đoàn đã hoàn thành một loạt hoạt động như làm việc với cơ quan quản lý dược, tiếp nhận các tài liệu của công ty, thu thập các phiếu kiểm nghiệm, biên bản xác nhận, hóa đơn, vận đơn, công ty vận chuyển…, đồng thời các tài liệu được Cục quản lý Dược, Phòng thương mại Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh tính hợp pháp và hợp pháp hóa lãnh sự.
“VKS rất khâm phục đoàn công tác của Bộ Y tế” – bà Lan nhấn mạn. Tuy nhiên, vị đại diện VKS cũng nhận định các tài liệu trên là do Bộ Y tế tự thu thập và được Cơ quan điều tra đưa vào kết luận mà chưa được kiểm tra tính hợp pháp. “Bộ đã nhận tài liệu này từ nguồn nào, ai là người nhận, đoàn công tác gồm những ai, thu thập bằng phương pháp nào?” – bà Lan đặt câu hỏi.
Từ những lập luận, trên vị đại diện VKS cho rằng việc thu thập tài liệu không đúng trình tự theo luật tố tụng hình sự, do đó không đảm bảo tính pháp lý để xác định lô thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Cũng theo VKS, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra không yêu cầu Bộ Y tế đi xác minh, thu thập tài liệu để xác định nguồn gốc lô thuốc, mà chỉ đề nghị Bộ cung cấp tài liệu liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu và cấp phép thuốc.
Vì vậy, VKS cho biết, nếu các tài liệu được thu thập thì phải do cơ quan điều tra tiến hành, hoặc Bộ Y tế phải báo cho Cơ quan điều tra cùng làm việc với nhà máy sản xuất để xác minh, thu thập.
Xét đến tính khách quan, VKS đánh giá hiện Cơ quan điều tra đang xem xét hành vi cấp phép cho lô thuốc H-Capita của Cục quản lý Dược, do đó tài liệu mà đoàn công tác của bộ thu thập được không đảm bảo cả tính khách quan và pháp lý.
Vì những lý do trên, VKS không thể dùng tài liệu này để xác định nguồn gốc lô thuốc H-Capita. Kết luận, đại diện VKS khẳng định các bị cáo đã buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Đối đáp lại, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng) và luật sư Phạm Quốc Hưng (bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường) cho rằng, bất kỳ cơ quan, cá nhân nào đều có thể cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án, và cơ quan tố tụng cần phải xem xét.
Cuối phiên xét xử buổi chiều 27/9, Tòa thông báo tạm nghỉ 2 ngày cuối tuần, phần tranh luận này sẽ tiếp tục vào sáng thứ 2 – ngày 30/9.
Xem thêm: ofni.855413tsop-et-y-ob-auc-tam-nab-nav-cac-gnort-yl-pahp-hnit-yurt-skv-amrahp-nv-ux-tex/nv.tenofni