Đã từ rất lâu, kể từ khi lòng trung thành có ý nghĩa trong bóng đá vói những cái tên như hai ngôi sao Ryan Giggs và Paul Scholes. Nhưng thế giới bóng đá cũng ghi nhận không ít những cầu thủ vì nhiều lý do khác nhau mà hóa thành “kẻ phản bội”, đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ.
Sol Campbell: Trung vệ này luôn nói rằng anh muốn giành được những danh hiệu ở sân White Hart Lane: “Tôi muốn tiếp tục thi đấu cho Tottenham, chỉ đơn giản thế thôi. Tôi đã ở đây quá lâu và không có lý do gì để nghĩ tới việc rời đi. Ở đây, tôi chơi bóng với niềm đam mê và khát khao mãnh liệt”.
Cựu tuyển thủ Anh tuyên bố gắn bó với Tottenham vào đầu năm 2001 nhưng cuối cùng Campbell khoác áo đỏ trắng của Arsenal, có một mùa Pháo thủ bất bại và giành ngôi vua Premier League vào tháng 4-2004.
Sol Campbell dưới hai màu áo Tottenham và Arsenal. Ảnh: CGI.
Quay trở lại năm 2001, hợp đồng của đội trưởng Tottenham đã hết hạn và đối diện với một vụ chuyển nhượng tự do béo bở đang trong tầm ngắm. Nhưng anh đảm bảo sẽ trung thành với Spurs và chắc chắn ở lại. Sau đó vài tháng và Campbell được công bố là một Gunner trước sự thất vọng của tất cả mọi người trong giới túc cầu.
Luis Figo: Là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử của Barcelona, nhưng điều đó không thể ngăn Figo làm điều sai trái với đội bóng xứ Catalan. Figo chuyển tới đội đối thủ không đội trời chung của họ trong một hợp đồng kỷ lục thế giới 50 triệu bảng vào tháng 7-2000, báo hiệu sự bắt đầu của kỷ nguyên Galacticos 1.0 của Real Madrid.
Figo bị xem là làm điều sai trái với Barca khi đầu quân cho đại kình địch Real Madrid. Ảnh: CGI.
Cầu thủ người Bồ Đào Nha bị người hâm mộ mà chính anh từng được yêu quý mắng chửi trong lần đầu tiên trở lại Nou Camp. Những tiếng la ó và huýt sáo quá lớn khiến anh phải bịt tai lại. Nó thậm chí còn tồi tệ hơn lần thứ hai, khi Figo bị ném đầy đồ vật - bao gồm cả đầu của con heo khét tiếng trong thế giới bóng đá.
Carlos Tevez: Khi một cầu thủ chỉ trung thành với số dư ngân hàng của mình, bất kỳ sự quan tâm nào đến người hâm mộ đều bị coi thường ngay lập tức. Và điều đó đã được chứng minh với Carlos Tevez.
Sau khi vô địch giải Ngoại hạng Anh và Champions League cùng Man United, tiếng hô vang: "Fergie, hãy đăng ký Tevez!" đã vang lên khắp sân Old Trafford trong nỗ lực thuyết phục CLB giữ chân ngôi sao người Argentina của họ.
Cổ động viên MU gọi tiền đạo Tevez là "kẻ phản bội" khi khoác đối thủ không đội trời chung Man City. Ảnh: CGI.
Tevez đã đáp lại những lời kêu gọi thống thiết của giới hâm mộ lẫn CLB bằng cách duy nhất là ngay lập tức chuyển đến... Manchester City. Nhìn vào tấm áp phích “Chào mừng đến với Manchester” đã khiến người hâm mộ MU rất đau lòng, vì Tevez vẫn đến Manchester màu xanh, không phải đỏ.
Robin Van Persie: Trong 7 năm, Arsenal đã sát cánh bên cầu thủ người Hà Lan qua nhiều cuộc tranh cãi, dung dưỡng cho anh những lần kỷ luật và vô số chấn thương dài hạn. Pháo thủ cuối cùng đã chứng kiến những gì tốt nhất của anh ấy vào mùa giải 2011-2012, khi tân đội trưởng Persie ghi 30 bàn thắng và giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm.
Van Persie không thể cưỡng lại sức hút từ Man United. Ảnh: CGI.
Thế nhưng Van Persie đã trả ơn Arsenal khi đặt niềm tin vào mình bằng cách từ chối ký hợp đồng mới, yêu cầu chuyển đến Man United. Anh rất nhanh chóng chia tay Pháo thủ. Van Persie đã được nếm thử cảm giác hụt hẫng vào năm sau, khi rơi nước mắt chia tay HLV Alex Ferguson - người mời anh đến Old Trafford tuyên bố nghỉ hưu.
Cesc Fabregas: Năm 2008, Fabregas thừa nhận anh muốn ở lại và cống hiến cho Arsenal đến cuối sự nghiệp. Anh chia sẻ: “Mọi thứ tại Arsenal đều diễn ra rất tốt đẹp. Tôi có nhiều bạn bè và người hâm mộ tại đây. Tôi hạnh phúc với cuộc sống này. Nếu đội bóng không cần thì tôi sẽ quay lại Tây Ban Nha. Nhưng nếu họ cần tôi và cho rằng tôi vẫn có thể tiếp tục cống hiến thì tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ không rời đi, nếu đó là điều họ mong muốn”.
Thế nhưng 3 năm sau, tiền vệ người Tây Ban Nha quyết định trở về quê nhà, khoác áo đội bóng thuở niên thiếu Barcelona.