Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm mạnh khi nhiều cổ phiếu không ngừng “tụt dốc”.
Thời gian qua, cổ phiếu ngành ngân hàng là một trong những trụ cột chính dẫn dắt đà tăng của thị trường lập đỉnh hồi tháng 7 với mức trên 1.400 điểm.
Tuy nhiên, sau khi thị trường điều chỉnh, đến nay nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chưa lấy lại động lực tăng trở lại.
Một loạt cổ phiếu sụt giảm mạnh có thể kể tên đến như VIB, CTG, BID, VCB và TCB. Đáng chú ý, một số mã cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn này dù có tin tốt như bán công ty tài chính thu về khoản lợi nhuận lớn, chuẩn bị chia cổ tức khủng nhưng thị giá cổ phiếu lại không thể bứt phá như SHB, MSB.
Dữ liệu thị trường ghi nhận có tới 19 trên tổng số 27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tháng 8, với mức giảm phổ biến dao động khoảng 5-7% so với đầu tháng.
Cụ thể, trong 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM hiện nay, có tới 19 mã ghi nhận xu hướng giảm tháng 8 vừa qua.
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng cùng ghi nhận mức giảm sâu trong tháng 8 này, trong đó, chủ yếu là các cổ phiếu niêm yết trên HoSE.
Cụ thể, cổ phiếu BID (BIDV) và LPB (LienVietPostBank) có cùng mức giảm 8% trong tháng 8, hiện lần lượt giao dịch ở mức 38.950 đồng/cổ phiếu và 23.050 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu HDB (HDBank), STB (Sacombank), OCB (OCB) có cùng mức giảm 7% trong tháng; cổ phiếu CTG (VietinBank) giảm 6%; TCB (Techcombank) giảm 5%; NAB (NamABank) giảm 4%...
Ngược lại với nhóm kể trên, dù cũng chịu xu hướng điều chỉnh nhưng một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn vẫn giữ được mức tăng trong một tháng qua như VCB (Vietcombank) và VPB (VPBank) tăng 2%; SHB và VAB (VietABank) cùng tăng 1%.
Nhận định xu hướng đi xuống của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán đều cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng sẽ chịu tác động trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo phân tích ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho biết, khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng đã tăng gấp rưỡi trong quý 2.2021 và dự báo còn tăng thêm vào cuối năm.
CTCK Yuanta Việt Nam dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt 14%, cao hơn cả năm 2020.
Bên cạnh đó, do các ngân hàng đã được yêu cầu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa cuối năm.
Điều này khiến thu nhập lãi của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do lãi suất cho vay giảm nhưng chi phí huy động vốn cũng sẽ thấp hơn. Do đó, NIM dự kiến của ngành ngân hàng sẽ đi ngang hoặc chỉ giảm nhẹ so trong nửa cuối năm nay.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư của Quỹ DG Investment cho rằng, trong 2 quý đầu năm nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm dẫn dắt thị trường và giúp cho thị trường có mức điểm lên 1.400 điểm vừa qua.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, nhóm này lại một phần nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu khi mất vị thế dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Các thông tin gần đây cũng cho chúng ta những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nhóm ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2021.
Nhìn nhận rằng vẫn còn khá sớm để khẳng định bức tranh toàn ngành sẽ xấu đi một cách rõ rệt. Tuy vậy, kỳ vọng chung cho cổ phiếu ngân hàng đã giảm bớt trong thời gian gần đây và có thể tiếp tục phân hóa mạnh trong giai đoạn cuối năm.
Nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ hơn trong giai đoạn này, nên lưu ý cẩn trọng hơn khi chọn cổ phiếu ngân hàng, ông Duy Phương nhận định.
Xem thêm: odl.207849-eht-iv-tam-hnad-nad-gnah-nagn-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal