Giá gà công nghiệp lông trắng đã giảm còn 8.000-9.000 đồng/kg, nhưng hiện tại còn 9,3 triệu con gà không thể tiêu thụ khiến người chăn nuôi thua lỗ.
4 triệu con gà "quá khổ" đang ăn hết vốn của nông dân
Trao đổi với PV Lao Động trưa 2.9, ông Nguyễn Văn Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), cho biết: Hiện các tỉnh phía Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đang tồn ứ khoảng 9,3 triệu con gà công nghiệp lông trắng không thể tiêu thụ, người chăn nuôi đang ở thế “dở khóc dở cười”, bán không được, mà tiêu hủy cũng không xong.
Trả lời câu hỏi của Lao Động về vấn đề hiện tại TPHCM với dân số khoảng 10 triệu dân đang phải gồng mình chống dịch, sẽ là thị trường tiềm năng để tiêu thụ gà công nghiệp lông trắng, tại sao Bộ NNPTNT không kết nối tiêu thụ tại đây, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: Thịt gà công nghiệp lông trắng không phải là thực phẩm phổ biến của người tiêu dùng, chỉ có thể tiêu thụ mạnh ở các bếp ăn công nghiệp, trường học, cửa hàng KFC, quán cơm bình dân…
"Điều đáng nói là, vừa rồi một số cơ sở giết mổ có các ca F0 với COVID-19, bên cạnh đó, nhiều cơ sở giết mổ không thể thực hiện được “3 tại chỗ” vì không thể tổ chức ăn ở cho công nhân trong xưởng giết mổ gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh. Trước đây nhu cầu cần mỗi ngày 1.600 tấn nhưng hiện nay giảm 50% chỉ còn 800 tấn/ngày" - ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, mặc dù khâu vận chuyển đã được cải thiện tăng 20% so với thời điểm bắt đầu giãn cách, nhưng lưu thông hàng hóa vẫn đang là vấn đề nóng tại 19 tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi phía nam chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp lông trắng. Thống kê ở các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, các địa phương đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Trong đó, trên 4 triệu con đã quá tuổi, trong lượng mỗi con trên 3,8 kg.
Ông Trọng cho biết, vòng quay của gà lông trắng rất nhanh, chỉ 35-40 ngày là có thể xuất chuồng. Trước gà chỉ khoảng 1,8-2,5kg là xuất chuồng nhưng nay trọng lượng đã vượt đến 3,8kg thậm chí trên 4kg/con, trọng lượng này rất khó bán.
“Bỏ thì thương, vương thì tội, nuôi tiếp nữa thì phải đầu tư, càng đầu tư càng lỗ vì giá cám tăng cao mà chưa chắc đã bán được vì người dân chủ yếu ăn thịt gà màu, nhu cầu thịt gà trắng rất ít” – ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cũng cho hay: Hiện tại, giá gà lông trắng đã giảm xuống mức 8.000-9.000 đồng/kg, là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi giá thành chăn nuôi là 28.000-29.000 đồng/kg.
“Cứ bán 1kg gà là lỗ mất 20.000 đồng, bán ngay còn đỡ, càng để lâu lỗ càng lớn" – ông Nguyễn Văn Ngọc nói.
Người chăn nuôi và cơ quan quản lý đều bất lực
Ông Trần Lâm Sinh-Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết từ tháng 8, khi TPHCM, Long An, Bình Dương siết chặt giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà lông màu, đặc biệt là gà lông trắng, giảm mạnh từ 30-40%, khiến việc tiêu thụ hiện rất bế tắc.
Một số doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết, với những con gà quá trọng lượng, càng để lâu càng tốn cám khiến người nuôi càng nỗ nặng, nông dân mang gà đi cho từ thiện, nhưng trong điều kiện giao thông khó khăn, chuỗi giết mổ bị đứt gãy, nên tốc độ tiêu thụ không xuể so với sức lớn và mức tiêu thụ cám của gà.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh, thành phố phía nam nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 quá căng thẳng tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai như hiện nay, thì vấn đề này cần được cân nhắc thận trọng.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, các địa phương chủ động đa dạng hoá kênh phân phối thực phẩm, đưa lên các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Điều đáng nói là, trong khi đang tồn 9,3 triệu con gà lông màu chưa thể bán được, thì hiện tại các tỉnh Đông Nam Bộ tuần vừa qua đã thả thêm 4 triệu con gà giống vì trước đó đã "trót" cho vào nhà máy ấp trứng.
"Số lượng trứng ấp rất lớn. Phải hết 6 tuần sau mới hết số trứng đã ấp" - ông Ngọc thông tin.
Xem thêm: odl.220949-nad-gnon-auc-nov-nom-na-uht-ueit-eht-gnohk-peihgn-gnoc-ag-noc-ueirt-39/et-hnik/nv.gnodoal