Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về các địa điểm tập kết hàng hoá "chui" trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội), sáng nay (3.9), Chủ tịch quận Nam Từ Liêm đã đích thân đi kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm những sai phạm.
Giải toả, cưỡng chế điểm tập kết hàng hoá trái phép
Liên quan tuyến bài: "Tập kết hàng hoá chui ở Hà Nội: Lật tẩy chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng" mà Báo Lao Động đã phản ánh, sáng 3.9, ông Nguyễn Huy Cường - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã dẫn đầu đoàn công tác của quận kiểm tra tình hình tập kết hàng hoá trái phép tại các địa điểm trên đường Phạm Hùng, gần bến xe Mỹ Đình.
Tại điểm tập kết hàng hoá trái phép ở địa chỉ 288 Phạm Hùng - vốn là cửa hàng mua bán trao đổi ôtô cũ, khi đoàn kiểm tra của Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đến, nơi này đóng cửa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Cường đã yêu cầu cán bộ công an phường Mỹ Đình 1 mở cửa để kiểm tra.
Bên trong điểm tập kết có hai nhân viên trông giữ hàng và rất nhiều hàng hoá của các xe tải từ Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc... gửi về. Hàng được đóng gói trong các thùng cát-tông, bao tải dứa và túi ni-lông. Bên ngoài có dán thông tin chủ hàng.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Công an phường Mỹ Đình 1 lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với chủ bãi, đồng thời yêu cầu lực lượng công an phá dỡ điểm tập kết trái phép này.
"Đây là nơi tập kết hàng từ các xe tải ngoại tỉnh về, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, cho nên phải giải toả ngay, phương án cưỡng chế là chắc chắn rồi", ông Cường nói và cho biết, với các hành vi sai phạm, chính quyền quận sẽ xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Xử phạt với chủ bãi tập kết
Tại một điểm tập kết hàng hoá khác trên đường Phạm Hùng (đối diện số 36 đường Phạm Hùng), đoàn công tác của Chủ tịch quận Nam Từ Liêm đã ập vào kiểm tra. Bên trong điểm tập kết là một phụ nữ tên Hoàng Thị Hân đang trông giữ hàng hoá được các nhà xe gửi về.
Bà Hân cho biết, số lượng hàng hoá này của một người đàn ông tên Đức - là nhân viên bến xe Mỹ Đình gửi, giao nhận và tập kết hàng hoá. Bà cũng không biết những người đến gửi hàng hoá là những ai.
Ngay sau đó, cán bộ Công an phường Mỹ Đình 2 đã làm việc với ông Đức. Đồng thời đưa toàn bộ số hàng hoá tập kết trái phép này về phường để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Bãi tập kết này, ngay sau đó cũng được lực lượng công an phá dỡ và dựng rào chắn để niêm phong.
Trao đổi với Lao Động, đại diện lãnh đạo Công an phường Mỹ Đình 2 cho biết, trong chiều nay, lực lượng yêu cầu bà Hân di dời toàn bộ vật dụng và gia súc gia cầm để tiến hành phong toả khu vực này.
Trước đó, theo phản ánh của Báo Lao Động, trên tuyến đường Phạm Hùng (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, sau khi bến xe Mỹ Đình dừng hoạt động, từ nút giao với Dương Đình Nghệ đến đầu đường Tôn Thất Thuyết, cứ cách vài chục mét lại có một điểm đón và trả hàng xe tải đi các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…
Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, một số cá nhân đã trưng dụng cửa hàng, bãi đất trống là điểm tập kết, giao nhận hàng hoá. Xung quanh điểm tập kết là cây dại, được che chắn bạt cẩn thận, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một shipper thường xuyên lấy hàng tại những điểm tập kết chui như thế này cho biết vì hoạt động trái phép nên điểm tập kết phải kín đáo, việc nhận và gửi hàng được thực hiện nhanh chóng.
Hiện nay, TP.Hà Nội chỉ cho phép 5 điểm giao nhận hàng hóa gồm: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội; Khu tái định cư ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn); Ô đất trống ở xã Dương Xá huyện Gia Lâm; Bến xe Yên Nghĩa; Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm).
Chính vì vậy, các cá nhân tự ý lập “bến cóc”, giao nhận hàng hoá trái phép không những gây mất an toàn giao thông còn vi phạm các quy định phòng chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh COVID-19.