Phim X-quang phổi 4 ngày trước của bệnh nhân, tình trạng viêm nặng, trắng xóa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trong khoa bệnh COVID-19 nặng, nếu một bệnh nhân có tình hình cải thiện, cả khoa truyền tin nhau ngay, mừng cho bệnh nhân và cũng là nguồn động viên cho mình.
Từ hôm vào, ngày nào tôi cũng tìm xem có ca nào khá lên không để kể cho mọi người nghe, nhưng ca bệnh hôm nay tôi kể lại là một bất ngờ.
Bất ngờ vì ngay khi nhận buồng, mọi người đã bảo, ca này nặng đấy nhé, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da.
Bệnh nhân này nói nôm na đã bị con COVID-19 ăn thủng phổi, nếu trong mấy ngày tới anh có nặng lên thì cũng không thở máy được, vì đang tràn khí màng phổi mà. Như vậy khả năng tử vong gần như chắc chắn.
"Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ"
Tôi khám bệnh, anh ngước đầu lên nhìn tôi khẩn khoản: "Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ, vợ cháu vừa mất rồi". Tôi bảo: "Được rồi, phải thật yên tâm nằm thở đi, không lo nghĩ linh tinh".
Nhưng thật lòng tôi thấy anh khó qua khỏi. Xét nghiệm thì thấy các chỉ số của bão cytokine đang hoành hành dữ dội. Hai lá phổi viêm trắng xóa, thở vào đâu? Chúng tôi phải dùng tối đa oxy hỗ trợ: thở oxy dòng cao HFNC 60 lít/phút, rồi lại chụp thêm ra ngoài một cái mask oxy 15 lít phút.
Oxy phun ào ào như thác lũ nhưng phổi viêm nặng như thế, có ngấm được vào máu đâu. Anh rất đói oxy, người rất mệt và khó chịu, nhưng ngoan ngoãn nằm sấp suốt ngày, hổn hển hớp từng ngụm oxy, cố giành sự sống để về với con.
Đến bữa, anh cố gắng ăn để lấy sức. Tôi nhấc vội mask oxy ra bón cho anh một thìa cháo, anh há miệng nhận, rồi tôi lại chụp ngay cái mask oxy xuống. Phải dùng từ đớp mới lột tả được cái hành động ăn khẩn trương như thế nào, ăn và thở.
Và đặc biệt, anh là một người rất có nghị lực, biết chịu đựng, không hoảng loạn, than vãn, kêu ca. Cảm giác khó thở là trải nghiệm kinh khủng nhất, ít ai giữ được bình tĩnh. Nhưng càng la lối, càng kêu ca thì càng thở gấp, phổi càng tổn thương nặng lên.
Nhiều bác sĩ trẻ ở xa không hình dung được tình trạng bệnh nhân nên hiến kế tập thở, tập thiền cho bệnh nhân, nhưng nếu một lần chứng kiến người bệnh ánh mắt lo âu, thở hổn hển, mồ hôi vã ra ướt đầm người, các bạn ấy sẽ nghĩ khác, cũng như cái hiến kế cho bệnh nhân COVID-19 uống sinh tố ấy. Không sai, nhưng không thực tế.
Lá phổi trên phim CT 1 ngày trước, chỉ một chút phổi lành màu đen, bên phải, nhưng đã khá hơn trước - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Và thật bất ngờ, anh đã sống. Sáng nào tôi vào cũng thấy anh nằm sấp, hai vòi phun oxy kêu phè phè, đầu đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn không chết, mà anh từ từ khỏe lên. SpO2 tăng dần, tăng dần. Chúng tôi giảm dần liều oxy. Tôi xoa đầu anh: "Giỏi lắm, sắp về với con rồi".
Anh ngước nhìn lên: "Bác cố cứu cháu nhé". Tôi ừ đại: "Yên tâm đi". Nhưng thật ra tôi nghĩ bụng, anh ấy đang tự cứu mình rất tốt, mấy người cùng đợt hay kêu ca thì "đi" hết rồi.
Sáng nay thấy liều oxy đã giảm khá nhiều, tôi bảo anh: "Bây giờ bác bỏ cái máy này đi nhé. Cháu tập thở giảm dần oxy đi thì mới về với con được". Các bạn nên biết, người khó thở sợ bị cắt mất nguồn oxy lắm. Nhưng ánh mắt anh ánh lên vẻ quyết tâm: "Vâng".
Tôi ngưng máy oxy dòng cao, anh chỉ còn thở oxy qua mặt nạ. Mười lăm phút trôi qua, oxy máu vẫn không giảm mấy, anh vẫn thở đều, không phải gắng sức. Thành công rồi. Tôi xoa đầu anh, cháu giỏi lắm, sắp về với con rồi. Anh mỉm cười rạng rỡ, tay nắm vòi phun oxy không dùng đến giơ lên, như minh chứng cho quyết tâm sống của mình.
Buổi chiều, theo chỉ đạo của trưởng khoa, chúng tôi đẩy anh đi chụp cắt lớp CT phổi. Nhìn phổi của anh đông đặc gần hết, chỉ còn một chút phổi lành, thế mà anh cai oxy dòng cao được. Thật là kỳ diệu. Lòng quyết tâm của người làm cha đã làm nên điều kỳ diệu này chăng?
Ca bệnh này tôi xin phép bệnh nhân đàng hoàng và chụp ảnh rõ đôi mắt. Một bức ảnh có đôi mắt là bức ảnh có linh hồn.
BS Quan Thế Dân là bác sĩ hồi sức cấp cứu, đã nghỉ hưu và tình nguyện tham gia chống dịch cùng đoàn Đại học Y Hà Nội. Ông đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Becamex Bình Dương, bệnh viện có chức năng thu dung bệnh nhân COVID-19 từ vừa đến nặng.
TTO - TP.HCM giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, do đó việc khuyến khích mỗi người dân tự test nhanh nhận diện sớm nguồn lây là điều cần thiết. Việc xét nghiệm cũng rất thuận lợi khi thực hiện tại nhà, có kết quả nhanh, ít tốn kém...