Thủ tục, điều kiện quá khó
Từ tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó dành 7.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay để trả lương cho NLĐ khi phục hồi hoạt động với lãi suất (LS) 0%.
Tuy nhiên, điều kiện để được vay từ gói này là DN phải chứng minh được việc dừng hoạt động là do yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch từ ngày 1/5/2021 - 31/3/2022; phải có phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh; có giấy xác nhận NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), không có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng. DN lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn được yêu cầu phải có bản sao quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 của cơ quan thuế.
Hoạt động lữ hành đã dừng hẳn trong ba tháng qua. |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel - cho biết năm 2020, doanh thu của Vietravel chỉ bằng 23% so với năm 2019. Trong sáu tháng đầu năm 2021 doanh thu của công ty chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện công ty chỉ còn khoảng 50/1.700 nhân viên (3%) làm việc không thường xuyên, số còn lại nghỉ không lương hoặc chuyển sang công tác khác. Trong đó, có khoảng phân nửa nhân sự đã nghỉ không lương từ mùa hè 2020.
Dù rất khó khăn nhưng DN vẫn không thể tiếp cận gói hỗ trợ lần này cũng như gói 62.000 tỷ đồng trước đó do điều kiện, quy trình thủ tục quá phức tạp. Chẳng hạn, nhiều NLĐ đã nghỉ không lương, tạm dừng đóng BHXH ngay từ đợt dịch đầu tiên (tháng 3/2020) nhưng DN bị buộc phải có bản sao về việc NLĐ tham gia đóng BHXH ngừng việc từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 mới được vay.
Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, hiện có đến 90% DN du lịch vừa và nhỏ tạm ngưng hoạt động. Sở vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về vốn lưu động; kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các DN du lịch trong năm 2021; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của DN để giúp DN duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động. Sở Du lịch TPHCM cũng đề xuất UBND TPHCM xem xét trình HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp với lãi suất vay 0% cho DN du lịch gặp khó khăn do dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động. TPHCM hiện có 5.002 DN du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ lấy ví dụ, hướng dẫn viên (HDV) là một trong 12 đối tượng được hưởng trợ cấp 3,7 triệu đồng trong gói 26.000 tỷ đồng nhưng số HDV thuộc diện được hưởng rất ít. Điều kiện để HDV được hưởng trợ cấp là phải có hợp đồng lao động hoặc là hội viên của hội, chi hội HDV. Tuy nhiên do hoạt động có tính chất mùa vụ, thời vụ của ngành du lịch nên số HDV có ký hợp đồng ít hơn nhiều so với số hoạt động thực tế. Đơn cử, Vietravel có khoảng 2.200 HDV nhưng chỉ 250 người có hợp đồng lao động. Đồng thời, hội, chi hội HDV ở nhiều địa phương vẫn chưa được thành lập nên nhiều HDV vẫn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, hiện TP.HCM có hơn 6.000 HDV nhưng chỉ có 248 người đáp ứng được yêu cầu để hưởng gói hỗ trợ này. Theo ông, để HDV được nhận nguồn trợ cấp này, thay vì yêu cầu hợp đồng lao động, chỉ cần yêu cầu họ cung cấp hợp đồng dẫn tour, tiếp nhận tour được ký với các đơn vị du lịch để chứng minh vẫn hoạt động trong ngành, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Đó là chưa kể, do DN du lịch bị giảm doanh thu sâu nên các ngân hàng đã âm thầm hạ mức tín dụng khi cơ cấu lại các khoản nợ, dẫn đến DN giảm khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới. Chủ trương giảm tiền thuê đất do nhà nước quản lý vẫn chưa thể triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn nên DN vẫn phải trả tiền thuê đất đều đều” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Marketing Công ty TST Tourist - cho biết công ty có 30 HDVcơ hữu (có hợp đồng lao động), còn lại là cộng tác viên. Công ty đã làm thủ tục xác nhận danh sách HDV có hợp đồng nộp về Sở Du lịch theo hướng dẫn, đang chờ kết quả và không biết có đáp ứng yêu cầu hay không.
Đại diện một số DN khác cho biết, họ chưa tiếp cận được bất kỳ gói hỗ trợ nào, cũng chưa được hưởng chính sách giảm LS từ các ngân hàng. Nhiều DN phải tìm đủ mọi cách để cầm cự hoặc cầm cố nhà cửa, vay mượn người thân để giữ chân người lao động.
Cần giảm bớt các yêu cầu
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 27/8, số tiền được giải ngân từ gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng dành cho DN chỉ 185,5 tỷ đồng. Bộ này cho rằng, việc giải ngân chậm là do dịch bệnh phức tạp, nhiều DN chưa thật sự tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, nhiều địa phương chưa hiểu đúng chương trình hỗ trợ nên chưa xử lý linh hoạt… Trong khi đó, đại diện các DN cho rằng, lẽ ra, đơn vị soạn thảo chính sách nên rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước đó, lấy ý kiến từ DN để ban hành chính sách khả thi hơn.
Đại diện các doanh nghiệp du lịch TP.HCM tham gia Hội nghị xúc tiến, khảo sát tour phía Bắc hồi cuối năm 2020 - ẢNH: QUỐC THÁI |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ dẫn chứng, với gói 26.000 tỷ đồng, lẽ ra nên hỗ trợ NLĐ tạm ngưng đóng BHXH từ năm 2020 thay vì chỉ xét các trường hợp đóng BHXH từ tháng 5/2021 như hiện nay. Với gói tín dụng ngân hàng, Chính phủ cần có đánh giá dựa trên quy mô doanh thu và mức độ tăng trưởng của DN trong ba năm trước khi diễn ra dịch bệnh. Cần ban hành ngay các chính sách với chế tài cụ thể cho việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm LS và không hạ bậc tín dụng. Có như vậy, DN mới có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ để sống sót, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Còn ông Bùi Thế Duy - đại diện Công ty Dã ngoại Lửa Việt - cho rằng thay vì đòi hỏi bản sao quyết toán thuế, chỉ cần giấy xác nhận nộp thuế của DN là đủ. Thêm vào đó, cần xem xét lại yêu cầu “không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mới được vay” bởi các DN có nhu cầu tiếp cận gói tín dụng này đều là DN đang khó khăn, thậm chí sắp phá sản nên mới cần hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - rất ít DN và người lao động ngành du lịch tiếp cận được các chương trình hỗ trợ dù đây là nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhất kể từ đại dịch COVID-19. Mới đây, hiệp hội tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho DN ngành du lịch, như giảm mức LS vay đang áp dụng, gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu, không chuyển nhóm nợ, đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
Vietravel đề xuất lập “vùng xanh” trong lĩnh vực du lịch Vietravel đã kiến nghị Chính phủ về việc triển khai xây dựng các “vùng xanh” trong lĩnh vực du lịch bằng cách tiêm đủ hai mũi vắc-xin cho NLĐ trong lĩnh vực này. Cụ thể, Chính phủ cần có hướng dẫn ưu tiên tiêm vắc-xin cho người làm việc trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt tại khu vực Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh… hoặc cho phép các DN được chi trả chi phí tiêm vắc-xin cho NLĐ của mình. Điều này giúp đảm bảo đủ nhân sự phục vụ du khách khi mở cửa trở lại. Sau khi thiết lập các “vùng xanh”, Việt Nam cần chuẩn bị lộ trình đón khách du lịch trong và ngoài nước (đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính) bằng cách triển khai rà soát lại các quy định về cách ly y tế khi nhập cảnh (với người có Hộ chiếu vắc-xin), xem xét quy định cách ly y tế… Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh dành cho khách thương mại và khách du lịch. Ngoài ra, thống nhất hệ thống quản lý thông qua số hóa để dễ dàng tra cứu khách du lịch có hộ chiếu vắc-xin. |
Quốc Thái - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.4615441a-ort-oh-ohc-iom-nom-hcil-ud-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www